Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
“Trọng đạo” rồi, ắt sẽ “tôn sư”
(Cập nhật ngày: 19/06/19 09:17 AM)

Vấn đề tư cách, đạo đức nhà giáo một lần nữa là mối quan tâm lớn của đông đảo quần chúng nhân dân.

“Trọng đạo” rồi, ắt sẽ “tôn sư” - 1

Trao đổi tại cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ ngày 18/6, cử tri Nguyễn Thị Đèo nhận xét, thời gian qua một bộ phận giáo viên đã vi phạm đạo đức nhà giáo, giảm uy tín người thầy, ảnh hưởng đến học sinh, gây bức xúc với phụ huynh. Nữ cử tri bày tỏ mong mỏi có giải pháp để ngăn chặn, chấn chỉnh khắc phục thực trạng nói trên.

Chủ tịch Quốc hội sau khi nhận câu hỏi đã cho biết, sắp tới khi đào tạo giáo viên, ngành giáo dục sẽ sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm theo vùng miền, địa phương để đảm bảo đào tạo sư phạm đạt chuẩn. Những giáo viên này ngoài trình độ để đứng lớp sẽ được đào tạo rèn luyện về phẩm chất, đạo đức của nhà giáo.

Bên cạnh đó sẽ chú trọng công tác quản lý của các cơ sở giáo dục, nhà trường phải chịu trách nhiệm quản lý giáo viên.

Đây có lẽ cũng là điều mà hàng triệu bậc phụ huynh trên cả nước vô cùng trông đợi. Bởi, phải thẳng thắn mà nói rằng, dù rằng không ai bỗng dưng trở thành “thầy”, “cô” nhưng nhiều vụ việc “lệch chuẩn” và thậm chí là “phản giáo dục”, “phi đạo đức”, “trái pháp luật” diễn ra trong ngành giáo dục thời gian qua đã khiến xã hội phải đặt câu hỏi về chất lượng đầu ra của lĩnh vực đào tạo của ngành sư phạm.

Trong khi đó, dân gian lại vẫn lưu truyền “chuột chạy cùng sao mới vào sư phạm”, ý nói: Chỉ khi cùng đường, không thể đỗ đạt vào trường nào khác mới chọn học ngành này. Và sau đó, chính những người “cùng sào” ấy lại đảm nhiệm một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng và cao quý, ấy chính là chở biết bao thế hệ học trò cập bến bờ đạo lý và tri thức. Liệu với một số “thầy cô” không đủ năng lực, phẩm chất họ có thể đảm đương công việc chèo lái ấy được hay không?

Thực tế cay đắng đó không chỉ khiến phụ huynh, học sinh cảm thấy bất an, mà còn khiến chính những người thầy, người cô “chân chính”, đang ngày đêm tận tuỵ, “sống chết vì nghề” không khỏi cảm thấy tổn thương, bị xúc phạm.

Cứ nghĩ biết bao nhiêu tâm huyết của những người thầy tận tâm bị lu mờ trước những thông tin tiêu cực của một bộ phận giáo viên “lọt sàng”, biết bao con người chỉ mong một giấc mơ biên chế, hợp đồng dài hạn, thậm chí chỉ cần được lên đứng bục, được giảng dạy để thoả ước mong …mới thấy xót xa cho sự bất công trong ngành này.

Song nói đi cũng phải nói lại, sẽ là không sòng phẳng nếu tất cả đều đổ đầu giáo viên khi mà bản thân họ cũng đang phải chịu sức ép khủng khiếp vì căn bệnh thành tích, không chỉ của trường, lớp mà còn của phụ huynh học sinh. Khi bị o ép từ quá nhiều phía, thật khó để giáo viên luôn luôn đưa ra được ứng xử đúng đắn và chuẩn mực.

Nói tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu lên vấn đề đáng suy ngẫm: “Giáo viên cũng phải tự nhận thức tự rèn luyện tư chất của một nhà giáo. Để trở thành một nhà giáo được phụ huynh, học sinh yêu quý thì nhà giáo trước tiên phải tự biết tôn trọng mình, phải có đạo đức phẩm chất để đưa kiến thức cho học sinh.”

Đúng vậy! Nếu thực sự yêu nghề và trăn trở với nghề, tin rằng, thầy cô sẽ luôn được yêu quý kính trọng. Còn một khi chưa tôn trọng bản thân, chưa tôn trọng nghề nghiệp của chính mình và tôn trọng học sinh, khi vẫn sẵn sàng hành xử “chợ búa” và bạo lực … thì thật khó lắm thay!

Có lẽ rằng, “trọng đạo” rồi, ắt sẽ “tôn sư”!

Mai Chi


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ