Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Nhà văn hóa Lê Quý Đôn: Đa đoan nhập thế
(Cập nhật ngày: 04/10/11 01:31 PM)

 
 
Lê Quý Đôn có lẽ là một trong những trí tuệ uyên bác và thông tuệ nhất trong lịch sử thời phong kiến ở nước ta. Ông sinh năm 1726 và mất năm 1784. Nổi tiếng thần đồng từ nhỏ, sớm đỗ đạt cao, ra làm quan trải qua khá nhiều chức vụ trọng yếu trong những thời kỳ khác nhau nhưng Lê Quý Đôn vẫn dành rất nhiều tâm huyết và thời gian cho việc soạn sách và làm thơ. Ông đã hoàn thành trên dưới 50 công trình lớn nhỏ với hàng trăm cuốn sách (hiện nay còn lại khoảng một nửa số đó).


 

 

 

Khi đánh giá về ông, danh sĩ triều Nguyễn Phan Huy Chú đã viết trong "Lịch triều hiến chương loại chí": "Ông tư chất khác người, thông minh hơn người… Bình sinh làm sách rất nhiều, khi bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi; mà nói đến điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời".

Tuy nhiên, cuộc đời của ông hoàn toàn không giản đơn mà luôn phải chịu những gập ghềnh và thị phi không chỉ bởi bia miệng mà cả ở những định kiến đã được chép vào sử sách.

Muốn ít, tức là được nhiều

Lê Quý Đôn là người cực kỳ ham mê đọc sách, không chỉ đơn giản để tiêu hết thời gian mà còn đào sâu suy nghĩ, dùng đó làm bảo bối trong khi nhập thế. Ngay từ nhỏ, ông đã học theo cách mà Vương Huy Chi nhà Tần bên Trung Quốc đã nói: "Đọc sách mà tìm được một nghĩa, cũng như được một thuyền hạt ngọc".

Trong lời tựa "Kiến văn tiểu lục", Lê Quý Đôn tâm sự một cách đầy khiêm nhường: "Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân, lại được giao du với nhiều bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Ai Lao, mặt Nam trấn thủ Thuận, Quảng, đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng biết ghi chép, lại phụ thêm lời bình sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép lại thành phiên…".

Đọc nhiều, nghĩ nhiều, dần dà lượng đổi thành chất: "Càng thu lượm lẽ phải thì càng đầy đủ, càng tế nhị tư tưởng thì càng rộng lớn, càng sâu dày bao nhiêu thì càng cao sang bấy nhiêu…". (Kiến văn tiểu lục).

Những lời vàng ý ngọc của các bậc hiền nhân rốt cuộc đã trở thành một phần cốt cách của Lê Quý Đôn. Cứ đọc những gì ông chép lại để cho đời sau là ta có thể hình dung ra được phần nào những nguyên tắc mà ông đã vin vào đó để "giữ vững lòng thành, thông suốt sự lý cả". Cũng trong sách "Kiến văn tiểu lục", ông đã chép lại những câu như sau:

"- Giữ đời sống bình thường không gì bằng tiêu dùng sẻn nhặt.

- Bồi dưỡng sinh lực không gì bằng ít dục tình.

- Sau khi uống rượu nên giữ gìn lời nói; đương lúc ăn nên ngậm lòng giận dỗi; nhịn những việc khó có thể nhịn được; hòa thuận với người không hòa thuận; ăn uống không có tiết độ là căn do mắc bệnh; tư tưởng không đúng đắn là nguồn gốc hại mình; bệnh tật từ miệng vào, họa hoạn từ miệng nói ra; nhún mình có thể theo được mọi người; hiếu thắng tất gặp địch thủ; bủn xỉn quá tất hao phí lớn, tích trữ nhiều tất mất mát to; cẩn thận thì không lo, nhẫn nại thì không nhục; tĩnh dưỡng thì thường được yên, sẻn nhặt thì thường được đủ.

- Nói nhiều, nhiều việc hỏng; việc nhiều, phải nghĩ nhiều; giữ được lòng giản dị thì lòng tự yên, biết được hạn định của mình thì lòng tự đầy đủ.

- Không để tâm bới vẽ sự việc thì không có việc gì bận rộn trong lòng, cho nên trong lòng tĩnh mịch thì sinh sáng suốt, trong lòng náo động thì sinh tối tăm.

- Người lái buôn gian dối làm rối loạn thị trường; người nông phu lười biếng làm hỏng cả ruộng đất; người độc phu tàn bạo làm nhiễu loạn cả nước; con ngựa ốm yếu làm nhơ nhuốc cả đàn.

- Làm giàu không sẻn nhặt, lúc nghèo phải hối hận; lúc thấy việc không học hỏi, lúc thi thố mới hối hận; lúc say nói dại dột, lúc tỉnh phải hối hận; lúc bình thường không nghỉ ngơi, lúc có bệnh mới hối hận.

- Người khinh suất lời nói, tất nhiên lời nói kém phần tin chắc; người tâng bốc thạo tất nhiên chê bai cũng thạo; việc không nên làm hết, quyền thế không nên dùng hết, lời nói không nên nói hết; phúc trạch không nên hưởng hết.

- Người nào nói ta xấu, đấy là thầy ta; người nào khen ta hay, đấy là thù địch của ta.

- Chỗ bất cập của người khác, ta nên lượng tình mà tha thứ; chỗ thiếu sót của ta, ta nên dùng lý lẽ mà nghiêm trách.

- Trong bụng cần phải từ bi, công việc cần phải phương tiện. Những sự tàn nhẫn khắc bạc, chỉ gây mối oán hận với người ngoài.

- Việc gì không can thiệp đến mình, dầu mảy may cũng không lý hội đến. Rượu ngon, sắc đẹp, của cải, tức khí, bốn điểm này cần phải kiêng kị, vì có thể làm hại đến bản thân".

Trong "Kiến văn tiểu lục", Lê Quý Đôn còn dẫn lời của Tôn Huệ nhà Tần: "Danh vị lớn không nên đeo lấy mãi, công việc lớn không nên gánh vác mãi, quyền thế lớn không nên giữ mãi, uy vọng lớn không nên bám lấy mãi".

Theo ông, châm ngôn sau đây của cổ nhân cần được mỗi người trong chúng ta luôn để cạnh chỗ ngồi:

"Uống rượu ít, ăn cháo nhiều; ăn rau nhiều, ăn thịt ít; ít khi mở miệng, nhiều khi nhắm mắt; chải đầu nhiều, tắm rửa ít; ít khi ở chung, nhiều khi nằm riêng; chứa nhiều sách cổ, ít chứa hạt ngọc; cầu danh ít, nhẫn nhục nhiều; làm điều lành nhiều, cầu lợi lộc ít".

Những nguyên tắc này, ai bảo hôm nay không cần thiết cho mỗi chúng ta?

Mười phân khó vẹn

Những tài năng thường không bao giờ toại nguyện nhưng Lê Quý Đôn vẫn là một ông quan sinh ra gặp thời. Dẫu những năm tháng ông đã sống không phải là giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử nước ta, nhưng phải nói rằng, ông đã gặp được những bề trên có mắt xanh là các chúa Trịnh.

Họ Trịnh đã tin dùng ông vào những chức vụ phải nói là trọng yếu trong triều. Và Lê Quý Đôn cũng đã rất tận tụy không chỉ với cơ nghiệp của họ Trịnh mà với cả những lợi ích của đất nước, của dân tộc, của những người dân lao động...

Ông có chí hướng: "Kẻ sĩ ra làm quan hành chính, có phải chỉ ung dung ở chốn miếu đường bàn bạc văn nhã hay tỏ ra đức vọng mà thôi đâu. Có khi phải tuần xét biên giới, mà phải chịu trách nhiệm một phương thì cũng phải nghĩ đến làm sao để vỗ về binh nông, dấy lợi trừ hại, tuyên bố những lời răn dạy, đổi dời phong tục, hết khả năng tâm lực mà làm điều chức phận nên làm…". (Phủ biên tạp lục). Lê Quý Đôn là ông quan thường dám nói thẳng cả những điều "sự thật mất lòng".

  Đặng Đình Nguyên
(An Ninh Thế Giới, 28/4/2011) 


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ