Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Dấu tích của nhà bác học Lê Quý Đôn trên đất Thanh
(Cập nhật ngày: 13/01/21 03:08 PM)

Bài trên báo Thanh Hóa



Lê Quý Đôn – nhà bác học toàn tài


Lê Quý Đôn (1726-1784) tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thần đồng, 18 tuổi đỗ Giải nguyên, 27 tuổi đỗ Bảng nhãn, là một danh sĩ có rất nhiều trước tác về các lĩnh vực triết học, văn học, địa lý, kinh tế… Lê Quý Đôn được xem là nhà bác học nổi tiếng của nước ta thời phong kiến.

Khi đi sứ tàu, Lê Quý Đôn được các học giả Triều Tiên, Trung Quốc như Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Kiến, Trần Triều Hãn, Châu Bội Liên… đánh giá học vấn uyên bác, một nhân tài “ở Trung Quốc cũng ít có”.

Bảng nhãn Lê Quý Đôn giữ nhiều chức vụ dưới triều Lê Trung hưng và làm quan ở nhiều địa phương trong nước từ Lạng Sơn đến Thuận Hóa. Đặc biệt có một thời gian khoảng 2 năm, ông giữ chức ở Thanh Hóa. Sử chép: Khoảng tháng 7 năm cảnh Hưng thứ 30(1769) viên bộ tướng của Lê Duy Mật (một người tự xưng là hoàng tộc của nhà Lê) là Lê Đình bản kéo quân từ Lào về đánh phá Thanh Hóa, triều đình cử  Lê Quý Đôn làm Tán lý quân vụ vào dẹp.

Đến năm Cảnh Hưng thứ 31(1770), Lê Quý Đôn được thăng chức công bộ hữu thị lang và  cử ở lại Thanh Hóa làm nhiềm vụ điều tra nắm tình hình hộ khẩu, binh lính sau giai đoạn loạn lạc. Trong khoảng 2 năm trấn trị ở Thanh Hóa, Lê Quý Đôn đã đi đến nhiều địa phương trong tỉnh để trực tiếp tìm hiều hình hình và có một số đề xuất lên triều đình, nhằm giúp địa phương  ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Lê Quý Đôn còn có tác phẩm “Đại Việt thông sử” mà phần lớn nội dung chủ yếu nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một số người trong hoàng tộc thời Lê Sơ và các nhân vật xứ Thanh thời bấy giờ. Tác phẩm này là một  cống hiến của nhà bác học Lê Quý Đôn đối với nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Nhiều tư liệu đề cập trong tác phẩm chứng tỏ Lê Quý Đôn đã có công nghiên cứu, khảo sát xứ Thanh khá tường tận. Khi nghiên cứu về danh nhân Lê Niệm (con danh thần Lê Lai) tại khu di tích ở xã Hoằng Hải- Hoằng Hóa, đã phát hiện thấy chiếu chỉ, sắc phong thời Lê Sơ, mà trong sách “Đại Việt  thông sử” của Lê Quý Đôn đã đề cập đến, chứng tỏ ông đã khảo sát khu di tích này khi viết về nhân vật Lê Lai, Lê Niệm, Lê Chí…

Ngoài ra, Lê Quý Đôn còn để lại một số văn thơ về xứ Thanh đến nay vẫn còn. Chẳng hạn ở động Từ Thức, một thắng cảnh thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn đang có tấm bia khắc bài thơ chữ Hán rất nổi tiếng của ông, xưa nay đã được nhiều người dịch giới thiệu trên các sách báo.Hoặc ở thắng cảnh núi Chiếc Đũa (Chính Trợ Sơn) thuộc xã Nga Phú, Nga Sơn, Lê Quý Đôn cũng đã đến và để lại nhận xét rất tinh tường qua mấy câu thơ: “Viễn chiêm chính tự liên hoa tọa/  Hà dự danh vi Chính Trợ Sơn” (Xem ra như thể toàn sen biếc/ Chiếc Đũa tên này bởi tại sao?)

Ngày nay đến tham quan núi Chích Trợ thì quả thấy núi này không giống chiếc đũa như tên đặt, mà tựa một tòa sen đúng như nhận xét của bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Khi dến khảo sát di tích Quận công Lê Đình Châu ở xã Ngọc Lĩnh, Tĩnh Gia, chúng tôi thấy có một tấm bia 4 mặt, gồm 1.431 chữ, văn bia do Bảng nhãn Lê Quý Đôn soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 40(1779). Nội dung nói về nhân vật lịch sử Lê Đình Châu, người xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, là một trong số đại thần đầu triều thời Lê Trịnh. Văn bia chia làm 2 phần. Phần trên nói về tiểu sử, công đức đối với đất nước, quê hương, làng xã của Quận công Lê Đình Châu, mối quan hệ giữa ông này với tác giả và lý do dựng bia, lập sinh tử. Phần thứ hai ghi tiền ruộng và quy ước tế lễ, thờ cũng của 6 thôn 3 xã ở Tĩnh Gia.

Qua văn bia này một lần nữa chúng ta thấy được  một phần văn bút điêu luyện của nhà bác học Lê Quý Đôn mà các học giả xưa nay đã ca ngợi.

Ngoài những dấu tích cụ thể trên của nhà bác học Lê Quý Đôn, vừa đây qua khảo sát 9 bút tích khắc trên đá của Nhật Nam nguyên chủ, tức chúa Trịnh Sâm, một vị chúa hay chữ, chúng tôi đều thấy ghi người phụng tả (viết chữ) là Cao Bác. Tra trong sách vở không hề thấy danh nho nào có tên hiệu là Cao Bác. Theo luật lệ phong kiến thời đó, những người được vua  chúa sai viết chữ nhất thiết phải ghi rõ họ tên, viết chữ nhỏ dưới cùng để tỏ rõ sự cung kính. Vì thế chúng tôi suy đoán người được phép ngoại lệ chỉ ghi hiệu “Cao bác” có lẽ là Lê Quý Đôn bởi hai lẽ: Thứ nhất là chúa Trịnh Sâm kinh lý xứ Thanh vào mùa đông năm Canh Dần(1770) đến đầu mùa xuân năm Tân Mão (1771), thời gian này Lê Quý Đôn đang làm quan ở Thanh Hóa. Thứ hai, Trịnh Sâm là người rất sính chữ nghĩa và nể trọng những nhà nho uyên bác, đỗ đạt cao, nên có thể đã vời Lê Quý Đôn cùng đi đàm đạo, ngâm vịnh, viết sáng tác của nhà chúa và làm ngơ khi bảng nhãn họ Lê không viết danh tính cụ thể xuống dưới mà chỉ ghi là “Cao Bác”

Như vậy Lê Quý Đôn đã có dấu chân ở hầu hết danh lam ở xứ Thanh, từ miền núi Cẩm Thủy đến các miền xuôi Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc., Nga Sơn… và cũng như một số danh nho tỉnh ngoài khác, nhà bác học Lê Quý Đôn đã có một số đóng góp vào sự phát triển của Thanh Hóa đến nay vẫn còn nguyên dấu tích.

. Theo báo Thanh Hóa

 

 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ