(Dân Việt) Hiện nay lì xì đang bị biến tướng. Lì xì đầu năm trở thành gánh nặng, thành sự khó chịu... Giờ người ta lẫn lộn hết giữa mừng tuổi và lì xì...
Đang cãi nhau tưng bừng về việc có nên duy trì tết ta hay không?
Và có một thực tế là, càng cãi nhau thì tết ta càng được coi trọng, càng được nhiều người quan tâm, nhiều người coi nó là một phần không thể thiếu trong năm, trong cuộc đời mình, bởi nó là văn hóa, là đời sống tinh thần của người Việt từ hàng ngàn năm nay, dẫu có thể nó du nhập, nhưng rõ ràng giờ nó đã được Việt hóa toàn phần rồi, trở thành "tết Việt" như cái cách rất nhiều báo xuân mở chủ đề năm nay.
Tất nhiên, để phù hợp với thời đại, nó cũng cần có sự điều chỉnh, để phù hợp, để tuân thủ quy luật, để nó thực sự là ngày vui, là điểm nhấn văn hóa, là ước nguyện tâm linh, là sự ước mong, chờ đợi của nhiều người, chứ không phải là hành xác, là nghĩa vụ, là sự phiền toái, hình thức... để mà lợi dụng làm những việc ngoài tết.
Mừng tuổi đầu năm là một mỹ tục rất đẹp từ các cụ xưa.
Lì xì là một ví dụ.
Bây giờ đa phần người ta dùng chung từ lì xì cho mọi đối tượng để chỉ cách môt người rút phong bao chuẩn bị sẵn hoặc "tiền tươi" trong ví đưa cho ai đó, già và trẻ con như nhau, trong khi thực ra, người ta chỉ dùng từ lì xì để chỉ sự mừng tuổi cho trẻ con, còn với người già, dứt khoát đấy phải là mừng tuổi. "Con mừng tuổi cụ/ ông/ bà/ bác..." là cách người trẻ hai tay đưa phong bao đỏ chót cho người lớn, còn với trẻ con, có thể không cần trang trọng thế nhưng cũng cần cái phong bì, nó đúng nhẽ lì xì.
Vốn dĩ nó là một mỹ tục rất đẹp từ các cụ xưa. Mùng một tết, con cái cháu chắt xếp hàng mừng tuổi chúc tết ông bà bố mẹ, sau đó thì cháu chắt lại đứng để được người lớn lì xì. Bắt buộc phải có là cái phong bao màu đỏ. Và, tiền trong ấy chỉ là tượng trưng, là tiền mới được tích cóp để dành từ trong năm. Tiền ấy là tiền lấy may, lấy khước đầu năm chứ không phải là tiền để... làm giàu, hoặc như giờ hay nói, cao cả hơn, lương thiện hơn, là để sắm áo quần, sách vở, thậm chí là mua xe đi học...
Chả biết tự khi nào, lì xì đầu năm trở thành gánh nặng, thành sự khó chịu, sự... nhiều khi không kể được. Giờ người ta lẫn lộn hết giữa mừng tuổi và lì xì. Còn nhớ ngày xưa trẻ con nông thôn mỗi đứa tự làm một ống nứa, vẫn còn 2 đầu mắt, cưa chéo một nhát, bỏ xu vào đấy, như kiểu trẻ con giờ nuôi lợn ấy, đêm 30 kéo nhau đi hàng đoàn, vừa lắc ống nứa vừa hát: Xúc xắc xúc xẻ... và sẽ được lì xì bằng xu, lại bỏ vào đấy, lại đi tiếp...
Hiện nay lì xì đang bị biến tướng. Thứ nhất là người ta lợi dụng để... hối lộ. Cái này dễ nhất, nhất là từ khi Thủ tướng rồi Ban bí thư cấm biếu quà tết. Thứ 2, điều này khiến nhiều người ngượng tái mặt, là qua lại. Anh mừng tuổi con tôi trăm ngàn, tôi cũng mừng lại y như thế, khiến cho người được nhận thành anh... thủ quỹ, lấm lét xem con mình cầm bao nhiêu để... trả lại. Chưa kể, nó hết sức buồn cười, như sự đối phó, sự qua lại sòng phẳng, thoát ly hẳn ý nghĩa ban đầu của lì xì.
Lì xì đang bị biến tướng.
Thứ nữa, nó rất dễ khiến trẻ con hư, khi một số nhà, khách vừa đưa phong bao là mở ra ngay, vất toẹt cái phong bao đỏ khách đã kỳ công chuẩn bị, rút tiền ra đếm rồi bỏ vào cái ví bố mẹ thửa cho trước tết để... đựng tiền lì xì, rồi khoe nhau trước mặt người vừa lì xì chúng: Anh có 100, em chỉ 50, có đứa còn... bĩu môi. Bọn trẻ con bị nhuốm máu kim tiền từ... tết. Rồi đứa con sếp và đứa con không phải sếp cũng khác nhau, và chúng cũng bì nhau dù có thể chả hiểu lý do sự khác nhau ấy… Nó vừa vui vừa hài hước. Nếu lỡ bên này có một đứa con, lì xì trước 200.000 đồng thì bên kia lì xì lại cho 2 đứa mỗi đứa 100.000 đồng, hòa.
Có năm tôi ngồi ăn sáng chung bàn với 3 mẹ con, tức bà ngoại, con gái và cháu ngoại. Qua câu chuyện thì biết năm nay con gái bà và cháu ngoại sẽ về nội ăn tết, bà cứ hẹn đi hẹn lại đứa cháu ngoại chừng 6 tuổi: Ông nội nhiều tiền lắm, con nhớ nói là con cần xe đạp để đi học, cần quần áo mới, cần sách vở nhé, để ông nội lì xì cho.
Các năm trước, ngân hàng cũng vào cuộc để... cổ vũ lì xì bằng cách in tiền mới và có dịch vụ đổi tiền mới. Chả có gì sai, nhưng nó chứng tỏ sự lì xì đã trở thành một nhu cầu, một gánh nặng, bởi cuối năm, đổi tiền lì xì là một trong những đầu việc của tết được rất nhiều người quan tâm đến lo lắng...
Lì xì và mừng tuổi nó biến tướng đến thế rồi kia đấy. Ngày xưa nó khác, và nó đúng nghĩa là lì xì, mừng tuổi...