Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy "không thầy đố mày làm nên"
(Cập nhật ngày: 23/02/18 10:46 AM)

LTS: Từ thành công của đội tuyển U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, nhóm tác giả Việt Cường nhấn mạnh đến vai trò của người thầy giỏi trong giáo dục đào tạo.

Trong bài viết này, nhóm tác giả Việt Cường cũng đưa ra những đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dư luận đã tốn nhiều giấy mực để phân tích, đánh giá, chỉ ra những nguyên nhân khiến cho đội bóng đá U23 Việt Nam đại thành công trong Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á vừa diễn ra tại Trung Quốc trong hơn nửa tháng qua.

Có rất nhiều nguyên nhân như vai trò của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo và ban huấn luyện; ý thức kỷ luật, sự đoàn kết nhất trí, tinh thần chiến đấu quả cảm, nghị lực phi thường của các em; công tác đào tạo bóng đá trẻ…

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nguyên nhân quan trọng nhất, quyết định đến chiến tích lịch sử này là vai trò của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo.

Huấn luyện viên Park Hang-seo và các học trò trong đội tuyển U23 Việt Nam. (Ảnh trên trang Fourfourtwo)

Đúng như các cụ đã nói: “Không thầy đố mày làm nên”, có thầy giỏi và tâm huyết là có tất cả.

Vẫn những con người ấy, tài năng và thể lực ấy nhưng dưới bàn tay ma thuật của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, tất cả đã gắn kết thành một khối, phát huy tuyệt đối tài năng và sức lực của mình, chiến đấu quả cảm và chiến thắng xứng đáng.

Họ không chỉ làm xúc động ngây ngất hơn 90 triệu con tim người Việt mà còn làm cho bạn bè quốc tế và cả những đội bóng bại trận phải tâm phục khẩu phục.

Đây chính là một bài học lớn về giáo dục, gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”.

Trước đây, chúng tôi đã băn khoăn về quan điểm “Lấy học trò làm trung tâm” của ngành giáo dục.

Bây giờ, chúng tôi không chỉ băn khoăn mà còn nghi ngờ sự đúng đắn và tính hiệu quả của quan điểm ấy.

Các huấn luyện viên trưởng các đội tuyển bóng đá Việt Nam trước ông Park Hang-seo chắc cũng coi đội bóng, lấy học trò làm trung tâm nhưng kết quả thì rất khiêm tốn, thậm chí có khi còn… thảm hại.

Vì sao ông Park Hang-seo làm được thế?

Chắc chắn ông cũng coi học trò là trung tâm trong giáo dục và đào tạo nhưng cách xử lý, các biện pháp và phương pháp đào tạo của ông như thế nào mà chỉ trong vòng hơn 3 tháng nhận chức, ông đã tạo ra sự lột xác thần kỳ đến thế?

Vấn đề cốt tử ở đây là tài năng và tâm huyết của ông thầy. Không có thầy giỏi sẽ không có trò giỏi vẫn là chân lý của muôn đời.

Vấn đề đặt ra là “Lấy học trò làm trung tâm” cần phải có một hệ thống lý luận và phương pháp dạy học về định hướng này để trang bị cho sinh viên các trường sư phạm, dạy cho họ cách xử lý, các biện pháp và phương pháp giáo dục cụ thể.

Mà điều này thì đang rất thiếu và rất yếu trong các trường sư phạm ở nước ta.

Công việc đào tạo giáo viên hiện nay còn rất nhiều ngổn ngang và bất cập.

Dường như chúng ta chưa bao giờ làm công tác thống kê, so sánh và đánh giá chất lượng đào tạo giáo viên ở hệ thống các trường sư phạm một cách cụ thể, chi tiết.

Dư luận về chất lượng đào tạo của trường này thấp, của trường kia cao vẫn chỉ là những đoán định mơ hồ và rất chung chung.

Báo chí đã nói đến quá nhiều chất lượng đào tạo giáo viên thấp kém, lạc hậu ở các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học địa phương.

Đã có nhiều “Tâm thư”, “Tâm huyết” của những nhà giáo, nhà nghiên cứu có trách nhiệm gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến Uỷ ban Quốc gia phát triển nhân lực và giáo dục nhưng những ý kiến và hành động phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cực kỳ hạn chế.

Thậm chí, nhiều tâm thư đầy nhiệt huyết, công phu, rất khoa học đã chỉ ra cả những biện pháp cụ thể, có tính khả thi rất cao để giải quyết tình trạng dư thừa và yếu kém trong đào tạo giáo viên ở nước ta cũng lại rơi vào khoảng trống hư vô và sự im lặng đến khó hiểu của những người làm công tác quản lý giáo dục ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tháng 1/2018 đã qua, tháng 2 đã đến nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có chỉ thị, thông tư nào về việc cắt dừng chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở các trường đại học địa phương và các trường cao đẳng sư phạm.

Nếu năm 2018 lại cho các trường này tiếp tục tuyển sinh, tiếp tục đào tạo ra những thầy cô giáo chất lượng thấp thì số giáo viên dư thừa, số sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm sẽ tiếp tục tăng lên đến mức báo động.

Việc đó kéo theo nhiều hệ lụy lãng phí và tốn kém ghê gớm về thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.

Muốn “Lấy học trò làm trung tâm” phải “Lấy thầy cô giáo làm trung tâm” trước.

Thầy cô phải giỏi và tốt, phải sống được bằng lương, phải bớt đi áp lực trong công việc thì giáo dục mới phát triển được.

Việc này phải bắt đầu ngay từ khâu đào tạo giáo viên. Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo “đọc lời ai điếu cho hệ thống các trường cao đẳng sư phạm Việt Nam”.

Không thể tiếp tục kéo dài mô hình đào tạo này thêm một tháng năm nào nữa.

Cũng cần phải cắt giảm và cắt dừng ngay chỉ tiêu đào tạo ở các trường đại học địa phương, chỉ giao việc đào tạo giáo viên cho các trường đại học sư phạm trọng điểm.

Mà việc này cần phải làm ngay, công bố ngay trong quý 1 năm 2018. Nếu cứ chần chừ để bàn bạc, hội thảo, rút kinh nghiệm, xem xét… thì sẽ không còn kịp nữa.

Hình như giáo dục nước nhà vẫn đang sa vào cái vòng luẩn quẩn không hồi kết trong công tác đào tạo giáo viên.

Không có thầy Park Hang-seo sẽ không có kết quả kỳ diệu của U23 Việt Nam hôm nay.

Từ cơn địa chấn của bóng đá U23, chúng tôi cho rằng “Lấy giáo viên làm trung tâm” mới là giải pháp cơ bản và đúng đắn quyết định sự thành công của công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”. 

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn của Nhóm tác giả.
Nhóm tác giả Việt Cường

 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ