Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Chặng đường mới cho Internet VN: Dùng thông tin để giải toả thông tin
(Cập nhật ngày: 05/12/17 03:01 PM)
Nhân kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam ra đời, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, nếu để nói một cách ngắn gọn về chặng đường 20 năm phát triển của Internet Việt Nam, ông có thể nói gì?

Ông Mai Liêm Trực: Internet của Việt Nam trong 20 năm qua đã có một bước phát triển rất nhanh, rất mạnh, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, là những người tham gia đưa Internet vào Việt Nam.

Phải nói rằng nó đã thay đổi một cách toàn bộ cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc, cách người dân học hành, vui chơi, giải trí, nghiên cứu khoa học,.. Đồng thời nó tạo điều kiện để nâng cao năng suất lao động, nâng cao dân trí cũng như nâng cao khả năng quản trị quốc gia qua sự giao tiếp trực tiếp giữa cơ quan công quyền với người dân qua phương tiện điện tử.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính- Viễn thông trao đổi với Góc nhìn thẳng


Nhà báo Phạm Huyền:
Để có được sự phát triển như ngày hôm nay, đâu là chìa khoá mấu chốt để làm nên thành công đó, thưa ông?

Ông Mai Liêm Trực: Mấu chốt của thành công đó, trước hết phải nói về mặt chính sách, lãnh đạo chúng ta đã rất dũng cảm tiếp cận Internet khá sớm, tương đương với các nước phát triển trong khu vực. Giai đoạn đầu, tư duy quản lý cũng khá thận trọng, tức là mở đến đâu thì quản đến đấy, nhưng sau đó chính ta đã thay đổi tư duy đấy. Lúc đó, chúng tôi mới mở mạnh Internet công cộng được, chứ trước đó thì không.

Hay như, chính sách mở cửa thị trường viễn thông Internet, tạo điều kiện có sự cạnh tranh để giá cước giảm, từ đó, năng lực phục vụ, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Phải nói rằng, đứng về góc độ phát triển, mật độ phổ cập dịch vụ cũng như giá cước và chất lượng dịch vụ, Internet của Việt Nam hiện nay đang tương đương với các nước trong khu vực.

Mấu chốt thứ hai, chính là do sự phát triển về công nghệ. Thí dụ như trước đây, ta có đường dây điện thoại, sau này có ADSL, cáp quang, Internet, và đặc biệt sau này có 3G rồi 4G và đặc biệt là công nghệ smartphone đã làm cho khả năng tiếp cận Internet của mọi người trở nên rất dễ dàng và rất thuận lợi.

Mấu chốt thứ ba chính là sự nỗ lực, háo hức của người Việt Nam khi tiếp cận những cái mới. Từ doanh nghiệp đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp cận Internet rất hồ hởi và đều mong muốn làm sao tận dụng được kho tàng tri thức của nhân loại phục vụ cho mình. Điều đấy là một điều rất đáng mừng.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, vậy trong giai đoạn tới, theo ông việc phát triển Internet của Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức, khó khăn lớn nhất nào?

Ông Mai Liêm Trực: Internet trên toàn cầu là 25 năm, ở Việt Nam là 20 năm, đấy là Internet kết nối con người, người ta gọi là IOP -  Internet of people. Trong giai đoạn tới, ở Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu sẽ chuyển sang một giai đoạn Internet thứ hai là Internet kết nối vạn vật.

Internet kết nối con người trước kia là kết nối khoảng 4 – 5 tỷ người, nhưng Internet kết nối vạn vật IOT hiện nay là kết nối hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ, giữa con người với con người, giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc,… Internet kết nối vạn vật là nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cho nên, nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta nhanh hơn giai đoạn 10 – 15 năm vừa qua mà Internet giai đoạn 1 đã cung cấp cho chúng ta.

Vì vậy, những cơ hội và thách thức đều rất lớn. Nhiều lĩnh vực sẽ không còn hoạt động như bây giờ nữa. Ví dụ như robot sẽ thay thế con người rất nhiều, không chỉ thay thế lao động đơn giản mà còn thay thế những luật sư, thậm chí là thầy giáo ở một mức độ nhất định và còn thay thế rất nhiều thứ.

Cho nên nếu chúng ta không chuyển đổi theo hướng của IOT của nền công nghiệp 4.0 thì sau này có thể xảy ra những khủng hoảng nhất định, kể cả về nhân lực, về việc làm cho con người. Mặc dù, Internet vạn vật sẽ tạo nên những nền công nghiệp mới, tạo nên những sản phẩm và dịch vụ mới, tạo nên nền sản xuất mới nhưng nếu chúng ta không tận dụng được những yếu tố đấy thì nhiều vấn đề như thất nghiệp... sẽ xảy ra.

Thách thức thứ hai là vấn đề an toàn, an ninh mạng. Khi tất cả mọi thứ đều dựa trên kết nối, ví dụ như xe không người lái, máy bay không người lái, tàu không người lái,… nếu không an toàn thì làm sao hoạt động được? Đương nhiên, vấn đề này còn là vấn đề an toàn, an ninh của quốc gia. Rồi những thách thức thông tin độc hại, trộm cắp, vu khống... cũng có thể phát triển trong môi trường mạng, nơi mà xa lộ thông tin ngày càng rộng hơn bây giờ.

Cho nên, riêng về thách thức này, chúng ta cần có nhiều cách khác nhau để hạn chế những tiêu cực đó, trước hết là những giải pháp về công nghệ. Trước đây, chúng ta làm bức tường lửa, phần mềm bảo mật,… sau này chắc chắn sẽ có những công nghệ mới có thể hạn chế được những tiêu cực.

Nhưng biện pháp tôi cho là quan trọng nhất để hạn chế tiêu cực của Internet trong tương lai vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục cho từng người tự bảo vệ mình, cũng như trong gia đình bảo vệ con em mình trước những thông tin độc hại.

Đối với Nhà nước, rõ ràng ta phải dùng thông tin để giải quyết thông tin. Nếu họ bịa đặt thì mình phải dùng thông tin chân chính để đính chính kịp thời, nhanh chóng, đừng để những khoảng trống thông tin người ta bịa đặt ra mà ta không trả lời, không làm rõ điều đấy thì nó sẽ lan tỏa rất xấu, rất hại.

Những biện pháp ngăn chặn về kỹ thuật hay về hành chính cũng không thể nào giải quyết được tuyệt đối, mà cách tốt nhất là thông tin phải giải tỏa bằng thông tin, cũng như tư tưởng phải giải quyết bằng tư tưởng. Tôi cho rằng đó là cách chúng ta nên thực hiện và thực thi một cách có hiệu quả hơn là chúng ta chỉ lo ngăn chặn. Bởi vì nếu chỉ lo ngăn chặn thì chắc chắn chúng ta sẽ trở nên thụ động và phần nào sẽ làm hạn chế sự phát triển.

Nhà báo Phạm Huyền:Cùng với các thách thức đó, chúng ta cần có tư duy quản lý như thế nào phát triển được Internet trong thời kỳ kỷ nguyên số và cách mạng 4.0 một cách hiệu quả hơn nữa?

Ông Mai Liêm Trực: Nói về năng lực của Việt Nam khi tiếp cận công nghệ 4.0, người ta thường đánh giá thế mạnh của ta đầu tiên là thị trường, thứ hai là nguồn nhân lực số, nhưng ngược lại, cái yếu của mình lại là chính sách, thể chế.

Cho nên tôi nghĩ rằng, tiếp tục cải cách hành chính, cải cách thể chế là một điều rất quan trọng, tạo môi trường cho IOT và công nghiệp 4.0 phát triển ở Việt Nam. Nếu thể chế của chúng ta còn để quá nhiều rào cản như bây giờ thì rất khó khăn.

Yếu tố thứ hai là về con người, nguồn nhân lực số của Việt Nam có tiềm năng nhưng hiện nay còn thiếu sót rất nhiều trong quá trình đào tạo.

Thứ ba, tôi nghĩ rằng hãy làm tất cả những điều có thể cho các doanh nghiệp, cho thế hệ trẻ tiếp cận cơ hội và phát triển. Chúng ta, những thế hệ trước đây như chúng tôi, hay thậm chí là những thế hệ quản lý bây giờ cũng không hình dung ra sự phát triển sẽ như thế nào đâu, nên hãy để cho thị trường, hãy để cho thế hệ trẻ, hãy để cho doanh nghiệp phát triển.

Khi cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng trí tuệ, như người ta nói là của nền kinh tế số mà cứ áp dụng những suy nghĩ, tư duy, cách thức quản lý của thời xưa thì đấy là một thảm hoạ rất lớn để Việt Nam có thể tiếp cận vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nhà báo Phạm Huyền:Xin cám ơn ông đã trả lời báo điện tử VietNamNet!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Đức Yên, Huy Phúc, Bạt Tuấn


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ