Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
LÊ QUÝ ĐÔN – NGƯỜI TRÍ THỨC MỘT LÒNG VÌ NƯỚC VÌ DÂN.
(Cập nhật ngày: 08/08/16 04:32 PM)

LÊ QUÝ ĐÔN – NGƯỜI TRÍ THỨC MỘT LÒNG VÌ NƯỚC VÌ DÂN.

 

TS Phạm Hồng Toàn

 

 

I. Ngày 14 tháng Tư năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 45 (1784), Lê Quý Đôn mất. Triều đình để tang 3 ngày, coi như đây là một quốc tang. Có rất nhiều học trò của ông đến viếng và khóc thày. Trong số các tư liệu còn lưu giữ được, có 4 bài văn tế của học trò còn lưu trong sách Tồn Am tản văn loại, chữ Hán, ký hiệu A2118 và Tồn Am văn, ký hiệu VHv 85, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Bài thứ nhất là Bài văn của học trò đặt trước linh sàng tế Quế Đường Tiên sinh (ngày lễ thành phục). Bài này là của các học trò gồm quan Nhập thị hành khiển tham tụng, Nhập thị Kinh Diên, kiêm tri Đông các, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Lại bộ thị lang Kế Liệt hầu Bùi Huy Bích; Ngự sử đài Thự phó Phó đô ngự sử Phụng thị nội giảng, kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, Hàn lâm viện thừa chỉ Cảo Trạch bá Trần Công Thước; Nhập thị Bồi tụng, Hành binh phiên cơ mật sự vụ, Hàn lâm viện Thị chế Nguyễn Đình Giản.

Bài thứ hai là Bài văn của học trò đặt lễ tại nhà đọc sách tế Quế Đường tiên sinh (ngày lễ thành phục) không ghi tác giả, mà chỉ ghi: “bọn học trò chúng con vì bận công việc không thể tới quỳ lạy trước nơi giường ghế nên trộm phép mang lễ vật khóc than đặt tại nhà đọc sách ở chốn kinh sư”.

Bài thứ ba là Bài văn tế của học trò đặt trước mộ thày ở Diên Hà, khi làm lễ an táng Quế Đường tiên sinh của Hoằng Viến tiên sinh tặng tước phong Thiếu Bảo.

Bài thứ tư là Bài văn của học trò ở Kinh sư tới nhà đọc sách đặt lễ thày, khi làm lễ an táng Quế Đường tiên sinh. Bài này cũng không ghi tác giả.

Những bài văn tế này cho biết, Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn của nước Việt Nam, ông cũng đã từng là thày giáo, một người thày có vị trí lớn trong làng Nho Việt Nam. Niên biểu Lê Quý Đôn cũng đã ghi Lê Quý Đôn có hai lần làm chức quan đứng đầu Quốc tử giám, một trường học cao cấp nhất của nước Đại Việt thời bấy giờ. Đó là vào năm 1767 (Đinh Hợi) do được Nguyễn Bá Lân tiến cử, Lê Quý Đôn được khởi dụng, giữ chức Thị thư, tham gia biên tập quốc sử kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám (1767 – 1769) [lần thứ nhất] và Nhập nội Bồi tụng, Hộ bộ Tả thị lang, Hành Đô ngự sử kiêm Tế tửu Quốc tử giám (1776) [lần thứ hai]. Với chức vụ trên, Lê Qúy Đôn vừa là người lãnh đạo Quốc tử Giám, vừa là thày giáo, trực tiếp dạy học trò. Ngoài chức vụ học quan được triều đình chính thức bổ nhiệm như nêu trên, Lê Quý Đôn còn là một nhà giáo nhân dân. Những năm tháng “ở nhà viết sách” từ 1765 đến 1766, Lê Quý Đôn dạy cho các sĩ tử trong vùng , trong đó có Bùi Huy Bích, người mà sau này có số phận và tài năng cũng giống như Lê Qúy Đôn.

Tư liệu để lại không có đoạn nào ghi chép về những hoạt động cụ thể của Lê Quý Đôn khi làm học quan ở Quốc tử giám, nhưng qua các bài văn tế của học trò cho thấy ông là một nhà giáo lớn, lớn cả về trí tuệ và nhân cách.

“Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách, trước thuật văn chương đủ dạy đời và lưu truyền về sau. Nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thày” [1]

“Kính nghĩ thày ta, ứng thí đỗ đầu ba khoa, kiêm cả tướng văn tướng võ, khi làm quan, khi về nhà, lúc nói năng, lúc im lặng đều nương theo nghĩa lý ở đời… không ở đâu là không nghiên cứu, bên trái đồ thư, bên phải điển tịch, thi thư trũi giá, sách vở đầy nhà, trước thuật giàu hơn người xưa, sưu tập rọng hơn sách phủ…”[2]

“Kính nghĩ thày ta là tinh túy của suối nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, cho nên lúc rảnh rỗi việc thêu trời dệt đất, thì đem học vấn để nhuần nhuyễn cho môn sinh, mọi cốt lõi đi tới thẳng ngay, mọi kẻ uống trở thành no đủ, vậy ai chẳng phải do sự ban cho của thày mình vậy”[3]

“Những kẻ vào được nhà thày không ai không xót xa thương tiếc những điều thày đã dạy bảo cho mình…”[4]

Về tài năng và đức độ của nhà bác học, thày giáo Lê Quý Đôn, đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, sách vở và báo chí tìm hiểu, giải mã và khẳng định. Lê Quý Đôn dạy học trò không chỉ có các tri thức để đi thi mà còn dạy cả đạo làm người, dạy cả các tri thức của cuộc sống. Bài văn tế của học trò trước mộ ông ở Diên Hà mấy trăm năm trước còn ghi “Sự dạy bảo của thày không liệt ở năm bậc luân thường, nhưng năm bậc luân thường cũng từ đó mà xếp đặt” [5] hoặc “Kính nghĩ thày ta là tinh túy của suối nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, cho nên lúc rảnh rỗi việc thêu trời dệt đất, thì đem học vấn để nhuần nhuyễn cho môn sinh, mọi cốt lõi đi tới thẳng ngay, mọi kẻ uống trở thành no đủ, vậy ai chẳng phải do sự ban cho của thày mình vậy.”[6]. Ông là tấm gương sáng cho học trò cả về việc học chữ và học đạo làm người. Hàng chục thiên sách nói về đạo làm người, đạo làm quan được ông biên soạn như các thiên sách diễn giải các kinh điển Nho gia, các thiên Sĩ quy trong sách Vân đài loại ngữ, Châm cảnh trong sách Kiến văn tiểu lục, Thánh mô hiền phạm… Ông cũng là người soạn các sách dành cho các sĩ tử và những người làm quan phải đọc hàng ngày.

 Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Lê Quý Đôn được vinh danh là nhà bác học, nhà văn hóa hàng đầu bên cạnh rất nhiều danh xưng khác với sự ngưỡng mộ và tôn vinh đến tuyệt đỉnh như nhà lý luận văn học, nhà sử học, nhà bách khoa thư, nhà địa lý, nhà ngôn ngữ, nhà nông học, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà thư tịch... Có điểm thú vị, dù đứng ở danh xưng nào thì sự gắn kết của ông với sách vở cũng vẫn là điển hình nhất và thành công nhất. Ông vừa nổi tiếng về sưu tầm, biên khảo, sáng tác, vừa nổi tiếng về đọc sách và tổ chức việc sử dụng sách vở. Trong sự hiểu biết của dân gian, Lê Quý Đôn được coi là biểu tượng của sự ham thích đọc sách, chịu khó học tập.

Có thể điểm qua hoạt động của Ông trên tất cả các khía cạnh của một nhà bác học.

1. Lê Quý Đôn là nhà khảo cứu, biên soạn sách vở nổi tiếng, là người có số lượng tác phẩm nhiều nhất đóng góp vào nền thư tịch nước nhà. Trong thời kỳ Nho học ở Việt Nam thịnh hành, các nhà Nho thường đề cao việc viết sách, bởi vì viết sách và phổ biến các kiến thức để giáo hóa cho đời là một trong "ba điều bất hủ" của nhà Nho, là một tín điều của "kẻ sĩ", là bổn phận của người "quân tử". Trong quan niệm sống của mình, Lê Quý Đôn cho rằng "Văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh thế". Nhìn vào số lượng tác phẩm để lại cho thấy tầm vóc của nhà Nho, tầm vóc văn hóa của thời đại.

Sách Lược truyện các tác gia Việt Nam, là bộ sách tra cứu về tác gia Hán - Nôm được nhiều nhà nghiên cứu tin dùng, cho biết trong khoảng 10 thế kỷ từ thời Lý đến thời Nguyễn, nước ta có 735 tác gia Hán - Nôm. Theo thống kê trong sách, thì duy nhất chỉ có Lê Quý Đôn biên soạn có đến 50 bộ sách, đứng đầu trong số các tác gia Việt Nam thời phong kiến. 

Cũng theo sách đã dẫn, các tác giả nêu trên chủ yếu viết về một lĩnh vực, cụ thể và phần lớn viết lịch sử, thi ca. Trong số các tác phẩm của Lê Quý Đôn, có nhiều tác phẩm đồ sộ cả về khối lượng trang viết và khối lượng thông tin dung nạp. Cụ thể:

- Về nội dung, các tác phẩm của Ông bao quát nhiều lĩnh vực: văn, sử, triết, ngôn ngữ, thiên văn, địa lý, giáo dục, thư mục, kinh tế, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật, bói toán, phong thủy... nghĩa là tất cả các lĩnh vực khoa học từ thế kỷ XVIII người dân Việt Nam biết tới.

- Về hình thức, trước tác của Ông đa dạng: có sáng tác, biên tập, chủ giải, bút ký đọc sách, khảo sát thực địa, ghi chép tổng hợp, thơ, văn, biện luận, dịch, diễn ca, văn tế, các lối văn dùng trong thi cử thời đó như văn sách, văn chính luận; các loại tựa, bạt, ký sự, văn bia, câu đối...

- Về chữ viết, đa số tác phẩm ông dùng chữ Hán, nhưng Ông cũng là người đầu tiên dùng chữ Nôm trong các văn bản hành chính (bài Khải Nôm của Lê Quý Đôn trong sách Bắc sứ thông lục bẩm báo với chúa Trịnh về chuyến đi sứ nhà Thanh của ông và các thành viên trong đoàn). Trong sáng tác, nhất là các bài văn sách, ông dùng chữ Nôm mà các bài văn ấy sau này được dùng làm bài văn mẫu cho các trường Nho học cho mãi đến những năm đầu thế kỷ XX.

- Về chất lượng tác phẩm, hầu hết các tác phẩm được viết ra dù là dưới thể loại nào cũng đều nghiêm túc, cẩn trọng, đáng tin cậy về các thông tin đưa ra, có nhiều tác phẩm được dùng làm căn cứ để đời sau tra cứu như Đại Việt thông sử, Vân Đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục

- Về cách làm sách, tác phẩm của Lê Quý Đôn thường có kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh. Tác phẩm nào cũng có bài tựa nói rõ mục đích soạn sách, phương pháp biên soạn, có khi có mục lục chi tiết và cuối cùng là tên, tên hiệu, nơi viết, ngày tháng năm viết đầy đủ rõ ràng. Có sách Ông còn có bài hậu tự, các lời giới thiệu của các học giả có tên tuổi. Chứng tỏ tác giả là người viết sách già dặn, có trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút và đây cũng là một dấu hiệu để xác định các tác phẩm của Lê Quý Đôn trong sự lộn xộn của nhiều dị bản.

Sách vở của Lê Quý Đôn chẳng những phản ánh trí tuệ, tài năng và tâm tư tình cảm của cá nhân Ông, mà còn phản ánh và thể hiện bao quát các tri thức đương thời, Ông được coi như một "tập đại thành" của văn hóa Việt Nam thời kỳ trung đại.

2. Niên biểu Lê Quý Đôn cho thấy Lê Quý Đôn đã có 20 lần thay đổi vị trí làm việc với rất nhiều lĩnh vực: văn, võ, kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục... trong đó:

- Làm việc ở Hàn lâm viện 4 lần vào các năm 1752, 1754, 1757, 1767-1769,

- Làm việc ở Quốc sử quán 3 lần vào các năm 1754, 1775, 1781,

- Làm việc ở Bí thư các 2 lần vào các năm 1752, 1767,

- Đi sứ 1 lần từ năm 1760 đến năm 1762,

- Làm quan chức lãnh đạo ở  Quốc tử  giám  2 lần vào các năm 1767 - 1769, 1776,

- Giữ trọng trách trong Phủ Chúa nhiều lần vào các năm 1756, 1764, 1770- 1772, 1773, 1774, 1776, 1778, 1783,

- Làm ở Võ ban 4 lần vào các năm 1756, 1770 - 1772, 1776, 1783 ,

Ông từ quan về quê hương Diên Hà sống từ năm 1765 đến năm 1767.

Ông là người năng động, đi nhiều, đọc nhiều và viết nhiều. Chính sự năng động đó đã giúp Ông tiếp cận được với nhiều kiến thức mới để qua đó tích luỹ và sáng tạo. Quá trình làm việc nêu trên của Lê Quý Đôn chứng tỏ Ông là người có khả năng giải quyết công việc trên nhiều lĩnh vực. Triều đình thay đổi vị trí làm việc của Ông nhiều lần, lần sau cao hơn lần trước hoặc quan trọng hơn lần trước chứng tỏ triều đình cần Ông, cần cái bản lĩnh và năng lực làm việc của Ông. Song, đây cũng là điều kiện giúp Ông có được nhiều cơ hội tiếp xúc thực tiễn xã hội được nhiều để thu thập các tri thức cần thiết. Cũng chính việc phải thay đổi công việc nhiều lần đòi hỏi Ông phải học hỏi, tìm hiếu nhiều lĩnh vực để thích ứng và giải quyết công việc mới. Tri thức trong sách vở và kinh nghiệm phong phú của cuộc sống mà Ông tích luỹ được trong 58 năm sống, học tập và làm việc đã giúp Ông trở thành "nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam dưới thời phong kiến".

Hiện nay, di sản thư tịch của Lê Quý Đôn còn lại trong các kho sách Hán Nôm Việt Nam có 20 đầu sách với  khoảng trên 10.000 trang chữ Hán, trong đó có 8 cuốn đã dịch và xuất bản bằng tiếng Việt hiện đại, còn nhiều sách chưa được dịch, trong đó có bộ tuyển tập thơ đồ sộ  Toàn Việt thi lục dày 1542 trang.

Con đường để cậu bé Lê Danh Phương thông minh, dĩnh ngộ trở thành nhà bác học Lê Quý Đôn, thày giáo Lê Quý Đôn, danh nhân văn hoa Lê Quý Đôn là con đường học tập phấn đấu, rèn luyện không ngừng nghỉ. Trên cương vị người cầm quyền chức, Lê Quý Đôn để lại hình ảnh một ông quan thanh bạch, cương trực, tận tụy với triều đình, với công việc, thương dân, gần dân, sống cuộc đời giản dị và mẫu mực. Trên cương vị người thày cả nơi trường ốc lẫn trong cuộc sống hàng ngày, Lê Quý Đôn để lại trong tất cả học trò của ông không chỉ các kiến thức giảng dạy mà còn cả một tấm gương trong sáng và tình yêu thương con người. Cái tình ông dành cho hậu thế đã giúp cho học trò của ông hướng thiện, giúp họ hình thành nhân cách. Cái chữ ông dạy giúp học trò trở thành những ông Tiến sĩ, Hoàng giáp, thành những nhà nho thông tuệ của trí tuệ Đại Việt. Cái gương ông dành cho học trò giúp họ chịu khó học hỏi, sống đạo đức và nặng tình yêu thương con người, giúp họ rèn luyện để làm một công bộc tử tế cho đất nước.

Lê Quý Đôn thực là một học quan, một người thày đầy đủ cả về trí tuệ và nhân cách của nước Đại Việt.

II. Lê Quý Đôn là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Có người cho ông là một “hiện tượng”[7] văn hóa. Ngay từ lúc sinh thời và sau khi ông mất, đã có nhiều sự đánh giá, tôn vinh, ca ngợi của dân gian, của học giả trong nước và nước ngoài đối với ông. Khen có, chê có, nhưng khen nhiều hơn, khen cái sở tài học thuật, khen sự uyên bác, chịu khó tích lũy kiến thức, khen cái sự ”nhiều” của nhà bác học; chê con đường làm quan, chê cái thủ thuật chính trị không hợp với người này, người khác, chê vì bị dèm pha, ghen ghét... Sự khen chê đó làm cho người đời sau có lúc hiểu không đúng về Lê Quý Đôn, làm cho hình ảnh ông lúc mờ lúc tỏ trong lòng văn hóa dân tộc. Lý do thứ hai thì rõ hơn, Lê Quý Đôn ủng hộ nhà Lê, ủng hộ chúa Trịnh, không ủng hộ chúa Nguyễn. Cho nên sau này khi đã giành quyền cai trị đất nước, nhà Nguyễn tỏ thái độ bực dọc, chê bai, thậm chí mạt sát ông, xuyên tạc thư tịch và hình ảnh thật của ông, thậm chí có cuốn sách của ông bị nhà Nguyễn cho hủy đi. Suốt thời gian dài dưới các triều vua Nguyễn, Lê Quý Đôn ít được nhắc tới, và vì vậy trong lịch sử văn hóa Việt Nam, việc nghiên cứu về Lê Quý Đôn có thời gian bị gián đoạn.

Sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (tức ngày 2 tháng 8 năm 1726) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Lê Quý Đôn nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Có nhiều giai thoại, bài viết ca ngợi trí thông minh và sức đọc sách, nhớ sách của Ông. Năm 18 tuổi (1743), thi Hương, đỗ Giải nguyên, Ông ở nhà dạy học và làm sách. Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1743 đến 1752 Lê Quý Đôn viết 100 thiên sách [8]. Hiện nay chưa rõ các thiên sách đó gồm những gì, nhưng chắc chắn có bộ Lê triều thông sử  30 quyển [thiên], viết năm 1749. Năm 27 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hội, rồi thi Đình đều đỗ đầu (Đình nguyên Bảng Nhãn) khoa thi Nhâm Thân Cảnh Hưng 13 (1752). Sau khi thi đỗ, Ông được bổ nhiệm chức Thị thư ở Hàn lâm viện, bắt đầu cuộc đời vừa làm chính trị, vừa làm khoa học của Ông.

Cuộc đời của Lê Quý Đôn có 58 năm thì chỉ có 30 năm làm quan nhưng lại có đến 42 năm khảo cứu, biên soạn sách vở.

Lâu nay, nhiều người cho rằng con đường chính trị của Lê Quý Đôn không có gì đáng nói, hoặc cho là không thành đạt. Chính bản thân ông cũng thấy chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được. Thực ra, chỉ nhìn riêng con đường quan chức của ông cũng phải nghiêng mình kính nể. Sau khi đỗ Đình nguyên Bảng Nhãn khoa thi Nhâm Thân (1752), ông được triều đình cả bên Cung Vua và Phủ Chúa trọng dụng. Và cũng từ đây ông hết lòng cho công việc được giao. 33 tuổi ông được cử làm Phó sứ (1759), 47 tuổi được thăng chức Bồi tụng (tương đương Phó Tể tướng trong phủ chúa Trịnh), 52 tuổi được thăng Hành Tham tụng (tương  đương quyền Tể tướng) nhưng ông xin đổi sang ngạch võ ban làm Tả hữu điểm, quyền Phủ sự (quyền như Tể tướng). Ngoài ra, do có sự thăng trầm trên cong đường quan lộ, ông khi thì được giao, khi thì bị giao hết trọng trách nọ đến trọng trách kia. Khi làm ông giáo, khi cầm quân đánh dẹp, có khi đi thanh tra các địa phương, có khi làm đứng đầu một vùng đất mới, lúc làm ở Đô Ngự sử, khi làm ở Bộ Lại, khi về bộ Công… Ở đâu ông cũng hoàn thành sứ mệnh của một ông quan đúng với những gì ông đã học và đã nghĩ. Phải công bằng mà nói, dù có khi lên khi xuống, nhưng con đường quan lộ của Lê Qúy Đôn vẫn là sự ngưỡng vọng của lớp sĩ tử, là sự thèm khát của nhiều người và là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, bạn bè và những người yêu mến ông. Có thể nói, ông là người thành đạt, có quyền cao chức trọng, điều mà mỗi người từ thấp đến cao đều không ai từ chối.

Người ta vin vào sự thăng trầm trên con đường quan lộ ấy để dèm pha ông, chê trách ông. Nhưng có biết đâu rằng với những ông vua như Lê Ý Tông, Lê Hiển Tông và 4 đời chúa Trịnh thì người được vua yêu chúa mến chắc gì đã là người tốt, chắc gì đã là quan thanh liêm chính trực. Lịch sử chắc không viết sai về các Chúa như Trịnh Giang, Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Tông, những vị Chúa đầy ham muốn, tham lam, tàn ác, thủ đoạn, lấn át quyền vua, ăn chơi vô độ, thích nghe kẻ nịnh, dùng người dèm pha. Những năm Lê Quý Đôn tham gia chấp chính thì là những năm cực suy của nền chính trị phong kiến Đại Việt. Đó là cái thế khó của những ai muốn cải cách, muốn trong sạch, muốn thanh liêm, muốn làm một sự thay đổi có xu hướng tiến bộ. Chính phủ Chúa biết giá trị thật của Lê Quý Đôn nhưng vì ông không hợp với Chúa mà Chúa lại không thể loại bỏ ông được, vì vậy cứ thay đổi thăng giáng ông liên tục, luôn đẩy ông vào những công việc khó, hoàn cảnh hiểm nghèo. Sau khi ông mất, triều đình để tang ông 3 ngày. Có lẽ trong lịch sử nước Nam, một viên quan được triều đình để tang là sự kiện hiếm có và chính sự kiện đó chứng minh về giá trị thật của người quá cố.

Chính Lê Quý Đôn cũng không thật thỏa mãn con đường quan lộ của mình không phải là vì ông không được lòng vua chúa mà chính vì ông thể thực thi những điều tâm huyết có lợi cho dân cho nước. Trong một môi trường hoạt động đầy rẫy kẻ cơ hội, lại không có phương tiện thông tin, không có vây cánh, Lê Quý Đôn một mặt bị ý thức tôi trung của nhà Nho ràng buộc, một mặt muốn dựa vào cái thực thể xã hội thối nát ấy để cải cách nó, nhưng mặt khác lại phải bảo lo toàn tính mệnh giữa đám kiêu binh thời ấy, nên ông dù có cố sức vùng vẫy cũng không mang lại kết quả như mong muốn. Đây chính là bi kịch của đời ông, là nguyên nhân làm cho ông không thỏa lòng với con đường quan lộ của mình. Nhưng bi kịch của đời ông cũng chính là phản ánh những mâu thuẫn của thời đại. Bởi, ông là một tài năng lớn mà tầm vóc đã vượt khỏi khung khổ của xã hội đương thời. Làm quan ở thời “loạn”, khi mà nền cai trị đã thối nát, thì một người chính trực, “một nhà bác học làm quan” và có tư tưởng cải cách tiến bộ như ông phải chịu bi kịch là đương nhiên.

Phác thảo về Lê Quý Đôn, GS. Văn Tân cho ông là một nhà trí thức muốn có những cải cách trong xã hội Việt Nam; một nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân và hiểu những mong muốn của nhân dân; một đại trí thức có tư tưởng tự tôntự hào dân tộc. Còn GS. Trần Quốc Vượng lại phác thảo ông như một nhà hiền triết phương đông, sống “lão thực và kiệm ước”, một vị đại quan mà thương dân và ham mê tìm hiểu thực tế và đọc sách, viết sách… Ở Lê Quý Đôn, phong cách dân gian hoà trộn với phong cách bác học, giúp Ông tích hợp được cái “tri thức dân gian không văn bản cùng những pho sách dầy của bách gia chư tử”[9].

- Về những ý muốn cải cách xã hội của Lê Quý Đôn, học giả Cao Xuân Huy viết: “Lê Quý Đôn muốn tổng hợp các thuyết đức trị của Nho gia và cái thuyết pháp trị của Pháp gia mà nặng về Pháp gia để bổ cứu cho cái tệ nhân tuần thủ cựu đời bầy giờ. Lê Quý Đôn muốn vin vào nhà Trịnh mà thực hiện cái hoài bão của mình để làm nên sự nghiệp một nhà chính trị như Vương An Thạch.”[10]. Xã hội Việt Nam thời Lê Quý Đôn, thực là “thượng bất chính - hạ tắc loạn”, nhân tâm về cơ bản bị đánh bại bởi tiền bạc và dục vọng thấp kém. Chủ nghĩa đức trị đã bị tê liệt. Lê Quý Đôn nhận thức tương đối đúng thực trạng ấy. Ông cho rằng muốn cứu xã hội thì phải đi bằng con đường pháp trị. Năm 1764, ông dâng sớ xin thiết định pháp chế. Tiếp đó, ông lại dâng khải điều trần về việc ngăn chặn tệ tham nhũng, về khẩn hoang và mở đồn điền. Ông còn vận động một số học quan có tâm huyết thay đổi chương trình khoa cử, đào tạo nhân tài. Ông say mê với các phương thuốc tưởng sẽ đắc dụng cho việc cải cách một nền giáo dục đang “mất máu”. Song, “ở cái thời mà con đường học quan đã sa sút, tha hóa thì mọi đề nghị của ông chỉ là một hiện tượng “độc tỉnh” và nó bị cô lập”[11]. Tất cả các đề nghị cải cách của ông không những không được thực thi mà còn bị dèm pha và “trả thù” bằng các biện pháp tổ chức. Ngay khi vừa dâng sớ xin thiết định pháp chế, ông liền bị điều ra làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Chưa đầy một năm sau (1765), ông lại bị bổ làm Tham chính xứ Hải Dương v.v.. Những đề nghị cải cách đó không được triều đình và nhà Chúa nghe dùng. “Mặc dầu cải cách của Lê Quý Đôn không được thi hành, nhưng đề nghị ấy cũng nói lên rằng Lê Quý Đôn là một nhà chính trị có những hoài bão lớn muốn làm cho nước giàu dân mạnh bằng một con đường mới là con đường pháp trị. Trong lịch sử chế độ pháp trị ở Việt Nam dưới thời phong kiến, tên tuổi của Lê Quý Đôn có thể xếp ngang tên tuổi các nhà pháp gia đời Lê Thánh Tông đã dựng ra luật Hồng Đức nổi tiếng. Nếu Lê Quý Đôn có kém các tác giả Luật Hồng Đức là ông chỉ kém một chữ Thời mà thôi”[12]. Và nó cũng có tác dụng cảnh tỉnh xã hội và làm cho gương cho một số đồng liêu còn nhân phẩm.

- Là một đại quan trong cung Vua phủ Chúa, nhưng Lê Quý Đôn lại hết sức quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân và hiểu những mong muốn của nhân dân. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức luôn luôn gắn bó với đời sống xã hội, tiếp xúc thường xuyên với các tầng lớp nhân dân, Lê Quý Đôn được kế thừa đức tính trung thực thẳng thắn và thân dân của cha là Tiến sĩ Lê Trọng Thứ (người được vua Lê ban tặng 4 chữ “Chất Trực Cảm Ngôn”). Từ nhỏ được sống ở quê hương, một vùng đất chiêm trũng đầy bão lụt và nghèo khổ đã sớm xúc động lòng ông và luôn luôn thúc đẩy ông suy nghĩ và hành động. Không phải một lần ông đã viết những câu thơ nh­ư:

Dân nghèo cay đắng thật

Long đong sớm lại chiều.

Sau này, khi làm quan dong ruổi khắp nơi, nhất là những đợt đi “liêm phóng”, đi về các địa phương để kiểm tra đất đai, hộ khẩu hoặc trực tiếp làm Hiệp trấn phủ Thuận Hóa…, ông luôn luôn tiếp xúc với mọi mặt sinh hoạt của nhân dân, bám sát đời sống xã hội, cố gắng biết rộng nghe nhiều, luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp dân, giúp nước.

Là một nhà Nho lớn, lại thấm nhuần đạo đức làm quan như ông đã viết trong sách Thư kinh diễn nghĩaThiên tử cùng các quan đại phu hàng ngày ăn mặc đều lấy ở dân. Những hạt cơm ở trên mâm đều là tân khổ của nông dân… đã không hiểu sự vất vả của nhân dân thì sinh ra phóng dật, đã phóng dật thì tiêu dùng xa sỉ, tiêu dùng xa sỉ thì hại của, hại của nhất định hại dân”. Vì vậy, “thấy điều hay điều phải thì hăng hái phấn khởi, thấy điều xấu điều trái thì sợ hãi e dè, để mà chăm lo công nghiệp, giữ gìn chức vụ, hoạ chăng có ích...”.

Năm 1752, Lê Quý Đôn dự thi Đình khoa thi Nhâm Thân Cảnh Hưng. Thông thường các bài thi đình đều hỏi về kế sách trị nước. Lê Quý Đôn đỗ đầu, chứng tỏ ông đã đọc thông sách vở cổ kim hiện có thời ấy để lọc ra những biện pháp “kinh bang tế thế”, và điều quan trọng hơn là ông có những kiến thức thực tế về hiện tình đất nước và đời sống, ý nguyện của nhân dân để liên hệ, biện luận, làm cho bài văn thêm sâu sắc, thêm thiết thực.

Một đời làm quan, Lê Quý Đôn tự đặt cho mình nhiệm vụ và cũng như là một nguyên tắc hàng đầu là vừa học trong sách vở, vừa điều tra và nghiên cứu thực tiễn để có nâng cao tri thức và “trước thư lập ngôn”(biên soạn tác phẩm). Điều đó đó ông đã bộc bạch trong lời tựa một tác phẩm của mình: “Tôi vốn người nông cạn lúc còn bé thì thích chứa sách, lúc tr­ưởng thành ra làm quan xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo “lời dạy lúc qua sân”, lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương dong ruổi. Đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao tiểu đồng đi,ông vào túi sách, lâu ngày tích tập sau mới chép thành từng thiên…”. Ông cũng nhắc nhở những người làm quan tại triều không nên chỉ ngồi yên một chỗ mà phải đi xuống nhân dân: “Kẻ sĩ ra làm quan hành chính có phải chỉ ung dung ở chốn miếu đường, bàn bạc văn nhã và tỏ ra đức vọng thôi đâu. Có khi phải tuần xét biên giới mà chịu trách nhiệm một phương thì cũng phải nghĩ làm sao để vỗ về binh nông, lấy lợi trừ hại, tuyên bố giáo điều, rời đổi phong tục, mang hết khả năng tâm lực mà làm điểu chức phận nên làm để thoả lòng bề trên, ban ơn dân chúng”.. (tựa Phủ biên tạp lục).Qua Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, chúng ta tìm ở đấy những kiến thức cực kỳ phong phú của Việt Nam. Đọc chương phẩm vật trong Vân đài loại ngữ, chúng ta đã thấy Lê Quý Đôn biết đến 201 thứ lúa. Ông còn khuyên các nông gia những việc làm cụ thể: “Phép làm cho tốt ruộng, thì nên trồng đậu xanh trước đã, thứ đến đậu nho và vừng, các thứ ấy trồng vào tháng 5, tháng 6. Đến tháng 7 tháng 8 thu hoạch xong) cày lật úp xuống, làm ruộng trồng lúa cho mùa xuân năm sau, thì mỗi mẫu thu được 10 thạch thóc. Những cây đậu và vừng, bừa cày lên như­ thế, sẽ bón cho ruộng tốt ngang với bón phân tằm hay phân người”. Ông viết: “Ruộng nước ta có hai thứ: ruộng mùa Thu (ruộng mùa) và ruộng mùa Hạ (ruộng chiêm). Cũng có hai thứ gạo: cánh là gạo tẻ, noả hay nhu là gạo nếp” hoặc “Lúa di, nên cấy vào ruộng cao nhiều màu, cây thấp, lá thẳng, bông đặc, thóc nhiều, hạt dẹt nhỏ mà nhẵn, gạo trắng, nở cơm, thổi bốn đấu bằng năm đấu gạo khác” hoặc “ Lúa bầu hương, hạt tròn, to, sắc vàng, gạo trắng thơm, chín về tháng tám, rang qua rồi giã làm cốm, ăn cốm sống rất ngọt. Cốm hoà nước đường, hay rang lên ăn rất ngon. Người ta hay lấy lá sen gói cốm làm quà cho nhau”. Những kiến thức, những kinh nghiệm, những cách thức làm thiết thực như­ thế đã tràn ngập trong nhiều tác phẩm của ông.

Lê Quý Đôn là một đại trí thức có tư tưởng tự tôntự hào dân tộc. Trong cả sự nghiệp chính trị và sự nghiệp học thuật của ông để lại là tinh thần tự hào về một nền văn hiến Đại Việt. So sánh văn hóa Đại Việt với văn hóa Trung Hoa, Ông từng tự hào cho rằng văn hóa nước ta không thua kém (vô tốn) hoặc không khác (bất dị) về tầm mức và trình độ. Ông viết: “Tiên triều dựng nước … theo giữ nếp xưa, mô liệt huấn cáo rất nhiều, văn vật điển chương rất đẹp, không kém gì Trung Quốc”. Khi soạn sách Kiến văn tiểu lục, ông lại so sánh “Lúc ấy (thời Lý - Trần) tinh anh nhân tài, khí phách văn chương không khác gì Trung Quốc”. Để chứng minh cho những so sánh ấy, ông có rất nhiều dẫn chứng như mang các sách vở của Đại Việt cho các trí thức Trung Hoa xem, tranh luận với các đại phu nhà Thanh về văn hóa Đại Việt. Ông bác bỏ quan niệm cho rằng Giải Tấn (đời nhà Minh) là ông tổ của văn học nước Nam. Ông đòi nhà Thanh phải bỏ cách gọi sứ bộ Đại Việt là “di quan di mục”… Cuộc đi sứ nhà Thanh năm 1760 – 1762 mà ông ghi chép lại trong cuốn sách Bắc sứ thông lục không chỉ là cuộc đi sứ như thông lệ mà nó như một cuộc ngoại giao văn hóa mà phần thắng thuộc về sứ bộ Đại Việt. Trong vụ đi sứ lần này, Lê Quí Đôn đã soạn một sách chép hết sức tường tận mọi sự việc, mọi văn từ và đề là Bắc sứ thông lục gồm 4 quyển chép tất cả mọi việc và mọi công văn có liên quan đến sứ vụ trong thời kì trù bị, chép hành trình đi đến Bắc Kinh, các việc làm dọc đường và lúc ở Bắc Kinh; rồi chép hành trình đi về. Trong sách, tác giả chép nhật kí, ghi rõ tên đất, tên người, độ đường, câu chuyện vân vân.

Ý thức về một dân tộc có văn hiến, có chủ quyền còn tràn ngập trong các ghi chép của ông mà tiêu biểu là các sách Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục, Quần thư khảo biện,  v.v...

Chính những ghi chép của ông về Hoàng Sa, Trường Sa trong sách Phủ biên tạp lục đã trở thành căn cứ lịch sử để các thế hệ người Việt Nam chúng ta đấu tranh chống lại tư duy và hành vi bá quyền của Trung Quốc. Phủ biên tạp lục có những đọan viết: “Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa. Nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận hải vật. Người ta phải mất 3 ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa. Như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc Hải...". Ông mô tả về Hoàng Sa như sau: "...ngoài biển phía đông bắc có nhiều cù lao, các ngọn núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển. Từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 20 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào. Các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai...". Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, sung, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân thì nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về....

Tôi xem sổ đội của cai đội cũ là Thuyên đức hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5100 cân thiếc; năm Ất dậu được 126 hốt bạc...". Ông còn ghi rõ Nhà nước Việt Nam đã quản lý Hoàng Sa, Trường Sa thế nào. "Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc hải, không định bao nhiêu suất.  Người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiều sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiên quản..." hoặc "Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu, đảo Hải Nam. Người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu gởi cho Thuận Hóa nói rằng: Năm Kiền Long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ. Có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng (trên đảo Hải Nam). Quan ở đây xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (chúa Nguyễn) sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu làm thư trả lời.”

Di sản của nhà bác học Lê Quý Đôn thật đồ sộ và phong phú. Nhưng nổi bật lên là những điều ông tâm huyết với dân với nước. Hình ảnh của Lê Quý Đôn, một người lãnh đạo, một nhà bác học yêu nước, thân dân sẽ mãi mãi sống cùng với thư tịch của ông và các giá trị văn hóa ông để lại.

III. Tại Thư viện tỉnh Thái Bình, tượng Lê Quý Đôn được gắn biển trang trọng: “Nhà bác học Lê Quý Đôn 1726 - 1784”. Năm 1979 và 1988, Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình tổ chức 2 hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Ông. Các nhà khoa học tham dự hai hội thảo này đều dùng danh xưng “Nhà bác học” khi nói về Ông. Hai tập Kỷ yếu Hội nghị chuyên đề về những cống hiến khoa học của Lê Quý Đôn được đặt tên là “Nhà Bác học của Việt Nam thế kỷ XVIII”.  Tôn vinh Lê Qúy Đôn là nhà bác học, GS Văn Tân giải thích vì Ông là người: “Đã nắm được tất cả các tri thức mà con người Việt Nam hồi thế kỷ XVIII có thể có được. Có thể nói Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam hồi thế kỷ XVIII. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý, giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết. Hiểu biết của ông rất rộng và lại rất sâu”[13].

Cuộc đời Lê Quý Đôn ngắn ngủi có 58 năm với 30 làm quan nhưng có đến 20 lần thay đổi công việc mà vẫn dành được 42 năm đọc sách, viết sách, để lại cho đời hàng chục nghìn trang viết đủ các loại. Thật là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Và còn hiếm hơn nữa, Lê Quý Đôn là một người làm quan (mà làm quan lớn - PHT) có tư duy bác học[14] và là một nhà bác học đảm đương trọng trách ở bộ máy cai trị đất nước đang trong buổi suy tàn. Ông có lòng thương dân, cảm thông với đời sống của nhân dân lao động nhưng chế độ chính trị mà ông theo đuổi, phụng sự lại đang trở mặt với nhân dân. Vì thế trong ông luôn có những mâu thuẫn lớn. Mâu thuẫn giữa những tri thức, những hoài bão của nhà bác học với thực tiễn xã hội, giữa những kiến thức trong sách vở, nhất là kiến thức trị nước với hiện tình đất nước, giữa nạn tham nhũng của quan lại triều đình với cuộc sống đói nghèo của người dân... Lòng ông đầy khắc khoải trước thời vận loạn suy của nước, nỗi nghèo khổ của dân. Và cũng chính vì thế, Ông luôn hăm hở muốn hành động. Ông học để biết và hành động. Những năm tháng làm Hiệp trấn tham tán ở Thuận  Hóa, ông đã thực hành chính sách thân dân và trị nước thành công nhất. Tiếc rằng, triều đình ông đang phụng sự đã thối nát không thể hấp thụ được những điều tâm huyết của Lê Quý Đôn.

Trong bài văn khóc người thày đáng kính của mình, Bồi tụng Bùi Huy Bích viết “Nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thày”. Đúng vậy, và vài trăm năm sau này cũng không có ai vượt qua được Lê Quý Đôn.

232 năm qua, có đến hàng trăm quyển sách, bài báo, bài nghiên cứu về Lê Quý Đôn. Đã có 03 hội thảo khoa học, 07 luận án Tiến sĩ về các di sản văn hóa do Ông để lại. Gần trăm công trình văn hóa, giáo dục, giải thưởng nghệ thuật, câu lạc bộ trong nước và ngoài nước, hàng chục đường phố ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh mang tên Ông. Lê Quý Đôn đã dành cả cuộc đời phục vụ cho sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Ông đã để lại cho hậu thế một di sản thư tịch đồ sộ, một di sản tinh thần cực kỳ to lớn và quý báu, một biểu tượng cao đẹp về tinh thần học tập và niềm kiêu hãnh về truyền thống văn hiến Việt Nam. Ông thật xứng đáng là nhà bác học lỗi lạc nhất Việt Nam trong nghìn năm đất nước xây dựng nền độc lập tự chủ của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người dân miền đất Long Hưng Hưng Hà văn hiến. Ngày nay Lê Quý Đôn vẫn là tấm gương sáng và niềm kiêu hãnh của nước ta, đó là tấm gư­ơng của người trí thức đã từ đỉnh cao của văn hóa đương thời mà suy nghĩ những vấn đề về phồn vinh của đất nước mình và hạnh phúc của nhân dân mình.

                                                                                         Tháng 5/2016                                                                                  

                                                                                      Phạm Hồng Toàn

Tài liệu tham khảo.

1. Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919 (1993)/ Ngô Đức Thọ chủ biên  Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Di sản Hán - Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu// Catalogue des livres en Han Nom (1999),  NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí-  nhân vật chí, Nxb Sử học, Hà Nội

4.  Lê Quý Đôn-  nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII (1979),  Ty Văn hoá Thông tin Thái Bình xb, Thái Bình. [Kỷ yếu Hội nghị năm 1976]

5. Lê Quý Đôn - nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII (1984), Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình xb,  Thái Bình.

6. Lược truyện tác gia Việt Nam (1971). H.,Nxb KHXH, 2 tập.

7. Trần Thanh Mại (1960).  Vài nét trong quan điểm văn học của Lê Quý Đôn.  Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4/1960

8. Hà Thúc Minh ( 1999). Lê Quý Đôn, nhà tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. NXB Giáo dục, Hà Nội.

9. Phạm Hồng Toàn (2008). Lê Quý Đôn với sự phát triển của nền thư tịch Việt Nam. Luận án tiến sĩ.

10. Văn khắc Hán - Nôm Việt Nam (1998), TI. Từ Bắc thuộc đến triều Lý. Phan Văn Các, Claudine Salmon chủ biên, EFEO & Viện Nghiên cứu Hán - Nôm xb, Pari - Hà Nội.

11. Việt sử thông giám cương mục, T 17 (1960)/ Ban Nghiên cứu Văn sử Địa dịch, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội.

12. Phạm Quốc Sử.  Ngôi sao sáng văn hóa Việt. Nguồn tongiaovadantoc.com/c1036/.../le-quy-don-ngoi-sao-sang-van-hoa-viet....

[1]3. Văn Tân. Vài nét về Lê Quý Đôn nhà bác học lớn của Việt Nam dưới thời phong kiến. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4, 1963 tr. 1 - 9.

 

 

 

 



[1] Bài văn của học trò đặt trước linh sàng tế Quế Đường Tiên sinh (ngày lễ thành phục). Trong sách Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII. Thái Bình, Ty Văn hóa và Thông tin, 1979, tr 262

[2] Bài văn của học trò đặt lễ tại nhà đọc sách tế Quế Đường tiên sinh. Sđd, tr 264

[3] Bài văn tế của học trò đặt lễ trước mộ thày ở Diên Hà, khi làm lễ an tang Quế Đường tiên sinh. Sđd, tr 264

[4] Bài văn của học trò ở Kinh sư tới nhà đọc sách đặt lễ thày, khi làm lễ an táng Quế Đường tiên sinh, Sđd, tr 265

[5] Sđd, tr 264.

[6] Sđd, tr 264

[7] GS Lê Văn Lan. Lê Quý Đôn, Nhà Bác học của Việt Nam thế kỷ XVIII. Kỷ yếu khoa học. Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình, 1988.

[8] Theo Niên biểu Lê Quý Đôn do Phạm Đức Duật soạn năm 1978,

[9] Chữ dùng của GS Trần Quốc Vượng

[10] Vân đài loại ngữ. Nxb Văn hóa, 1962.

[11] Phạm Quốc Sử.  Ngôi sao sáng văn hóa Việt. Nguồn tongiaovadantoc.com/c1036/.../le-quy-don-ngoi-sao-sang-van-hoa-viet....

[12] Văn Tân . Vài nét về Lê Quý Đôn nhà bác học lớn của Việt Nam dưới thời phong kiến. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4, 1963 tr. 1 - 9.

 

[13] Văn Tân. Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Lê Quý Đôn. Kỷ yếu 250 ngày sinh Lê Quý Đôn. tr. 27

[14] Dẫn theo Trn Quc Vượng.


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ