Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
LÊ QUÝ ĐÔN, NGƯỜI THÀY GIÁO KÍNH TRỌNG CỦA NỀN GIÁO DỤC ĐẠI VIỆT
(Cập nhật ngày: 08/08/16 04:32 PM)

 

LÊ QUÝ ĐÔN, NGƯỜI THÀY GIÁO KÍNH TRỌNG

CỦA NỀN GIÁO DỤC ĐẠI VIỆT

                           

                                                              Tiến sĩ Phạm Hồng Toàn

                                                        Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Ngày Lê Quý Đôn mất, tháng Tư Ất Dậu năm Giám Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 45 (1784), có nhiều học trò của ông đến làm lễ và khóc thày. Trong số các tư liệu còn lưu giữ được, có 4 bài văn tế của học trò được nhà nghiên cứu Đỗ Văn Hỷ sưu tầm trong sách Tồn Am tản văn loại, chữ Hán, ký hiệu A2118 và Tồn Am văn, ký hiệu VHv 85, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

Bài thứ nhất là Bài văn của học trò đặt trước linh sàng tế Quế Đường Tiên sinh (ngày lễ thành phục). Bài này là của các học trò: Nhập thị hành khiển tham tụng, nhập thị kinh diên, kiêm tri Đông các, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Lại bộ thị lang Kế Liệt hầu Bùi Huy Bích; Ngự sử đài thự phó Phó đô ngự sử phụng thị nội giảng, kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, Hàn lâm viện thừa chỉ Cảo Trạch bá Trần Công Thước; Nhập thị Bồi tụng, hành binh phiên cơ mật sự vụ, Hàn lâm viện thị chế Nguyễn Đình Giản.

Bài thứ hai là Bài văn của học trò đặt lễ tại nhà đọc sách tế Quế Đường tiên sinh (ngày lễ thành phục) không ghi tác giả, mà chỉ ghi: “bọn học trò chúng con vì bận công việc không thể tới quỳ lạy trước nơi giường ghế nên trộm phép mang lễ vật khóc than đặt tại nhà đọc sách ở chốn kinh sư”.

Bài thứ ba là Bài văn tế của học trò đặt trước mộ thày ở Diên Hà, khi làm lễ an táng Quế Đường tiên sinh của Hoằng Viến tiên sinh tặng tước phong Thiếu Bảo.

Bài thứ tư là Bài văn của học trò ở Kinh sư tới nhà đọc sách đặt lễ thày, khi làm lễ an táng Quế Đường tiên sinh. Bài này cũng không ghi tác giả.

 

Những bài văn tế này cho hay, Lê Quý Đôn là thày giáo có vị trí lớn trong làng Nho Việt Nam, nó bổ sung cho những điều ghi chép của sử sách: Năm 1767 (Đinh Hợi) do được Nguyễn Bá Lân tiến cử, Lê Quý Đôn được khởi dụng, giữ chức Thị thư, tham gia biên tập quốc sử kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám (1767 – 1769) [lần thứ nhất] và Nhập nội Bồi tụng, Hộ bộ Tả thị lang, Hành Đô ngự sử kiêm Tế tửu Quốc tử giám (1776) [lần thứ hai]. Ngoài chức vụ học quan được triều đình chính thức bổ nhiệm như nêu trên, Lê Quý Đôn còn là một nhà giáo nhân dân. Những năm tháng “ở nhà viết sách” từ 1765 đến 1766, Lê Quý Đôn kiêm dạy cho các sĩ tử trong vùng , trong đó có Bùi Huy Bích, người mà sau này có số phận và tài năng cũng giống như Lê Quế Đường.

Tư liệu để lại không có đoạn nào ghi chép về những hoạt động cụ thể của Lê Quý Đôn khi làm học quan ở Quốc tử giám, nhưng qua các bài văn tế của học trò cho thấy ông là một nhà giáo lớn, một trong những người người đứng đầu trường học cao cấp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam suốt 800 năm. Ông lớn cả về trí tuệ và nhân cách.

“Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách, trước thuật văn chương đủ dạy đời và lưu truyền về sau. Nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thày” [1]

“Kính nghĩ thày ta, ứng thí đỗ đầu ba khoa, kiêm cả tướng văn tướng võ, khi làm quan, khi về nhà, lúc nói năng, lúc im lặng đều nương theo nghĩa lý ở đời… không ở đâu là không nghiên cứu, bên trái đồ thư, bên phải điển tịch, thi thư trũi giá, sách vở đầy nhà, trước thuật giàu hơn người xưa, sưu tập rọng hơn sách phủ…”[2]

“Kính nghĩ thày ta là tinh túy của suối nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, cho nên lúc rảnh rỗi việc thêu trời dệt đất, thì đem học vấn để nhuần nhuyễn cho môn sinh, mọi cốt lõi đi tới thẳng ngay, mọi kẻ uống trở thành no đủ, vậy ai chẳng phải do sự ban cho của thày mình vậy”[3]

“Những kẻ vào được nhà thày không ai không xót xa thương tiếc những điều thày đã dạy bảo cho mình…”[4]

Những lời tâm huyết trên thật đúng với tầm vóc và uy tín của  một vị Tế tửu – Tư nghiệp mà tác giả Trịnh Thị Hà trong bài Thày giáo trường Quốc tử giám (từ thế kỷ thứ XI đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX) viết: “Học quan trường Giám giữ trọng trách rất lớn trong việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài quốc gia, do vậy tiêu chuẩn lựa chọn các chức này, đặc biệt là hai chức Tế tửu và Tư nghiệp đòi hỏi rất chặt chẽ về đức độ và tài năng. Do đó, các Học quan đứng đầu trường Giám phải là những người cao tuổi được trọng vọng trong số các quan đại thần, là người thông hiểu Nho giáo, thầy giáo đỗ Tiến sĩ có trình độ uyên thâm và đức độ” [5].

Về tài năng và đức độ của Lê Quý Đôn, đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, sách vở và báo chí tìm hiểu, giải mã và khẳng định.

 Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Lê Quý Đôn được coi là nhà bác học, nhà thư tịch hàng đầu bên cạnh rất nhiều danh xưng khác với sự ngưỡng mộ và tôn vinh đến tuyệt đỉnh như Nhà lý luận văn học đầu tiên, nhà sử học, nhà bách khoa thư, nhà địa lý, nhà ngôn ngữ, nhà nông học, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà giáo... Có điểm thú vị, dù đứng ở danh xưng nào thì sự gắn kết của ông với thư tịch cũng vẫn là điển hình nhất và thành công nhất. Ông vừa nổi tiếng về trước thuật, vừa nổi tiếng về sưu tầm, biên khảo, tổ chức sử dụng sách vở. Trong sự hiểu biết của dân gian, Lê Quý Đôn được coi là biểu tượng của sự ham thích đọc sách, chịu khó học tập. Có thể điểm qua hoạt động của Ông trên tất cả các khía cạnh của một nhà bác học.

1. Lê Quý Đôn là nhà khảo cứu, biên soạn sách vở nổi tiếng, là người có số lượng tác phẩm nhiều nhất đóng góp vào nền thư tịch nước nhà. Trong thời kỳ Nho học ở Việt Nam thịnh hành, các nhà Nho thường đề cao việc viết sách, bởi vì viết sách và phổ biến các kiến thức để giáo hóa cho đời là một trong "ba điều bất hủ" của nhà Nho, là một tín điều của "kẻ sĩ", là bổn phận của người "quân tử". Trong quan niệm sống của mình, Lê Quý Đôn cho rằng "Văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh thế". Nhìn vào số lượng tác phẩm để lại cho thấy tầm vóc của nhà Nho, tầm vóc văn hóa của thời đại.

Sách Lược truyện các tác gia Việt Nam, là bộ sách tra cứu về tác gia Hán - Nôm được nhiều nhà nghiên cứu tin dung, cho biết trong khoảng 10 thế kỷ từ thời Lý đến thời Nguyễn, nước ta có 735 tác gia Hàn - Nôm. Theo thống kê trong sách, ta có số liệu sau:

+ Thời kỳ Lý Trần, có 77 tác gia, chỉ có 1 tác gia Hồ Tông Thốc có số tác phẩm nhiều nhất: 6 tác phẩm

+ Thời kỳ Hồ - Lê sơ có 99 tác gia, 2 tác gia có số tác phẩm nhiều nhất là Nguyễn Trãi có 7 tác phẩm và Lê Thánh Tông có 8 tác phẩm.

+ Thời kỳ Lê Trung Hưng có 72 tác gia, 2 tác gia có nhiều tác phẩm nhất là  Phùng Khắc Khoan có 7 tác phẩm và Hướng Hải thiền sư có 21 tác phẩm.

+ Thời kỳ Lê Mạt có 87 tác gia, 6 tác gia có nhiều tác phẩm nhất là Lê Huy Đĩnh: 11, Ngô Thì Sĩ: 7, Trịnh Sâm: 6, Lê Hữu Trác: 6, Trần Danh Án: 6, riêng Lê Quý Đôn có đến 49 tác phẩm.

+ Thời kỳ Tây Sơn, có 8 tác gia, chỉ Ngô Thời Nhậm có 19 tác phẩm.

+ Thời Nguyễn có tới 355 tác gia, nhưng cũng chỉ có 27 tác gia có từ 7 tác phẩm trở lên, trong đó số tác gia có 10 tác phẩm trở lên là: Phạm Đình Hổ: 18, Nhữ Bá Sĩ: 10, Nguyễn Thu: 17, Ngô Thế Vinh: 12, Đặng Huy Trứ: 11, Nguyễn Miên Thẩm: 18, Nguyễn Đức Đạt: 10, Nguyễn Văn Giao: 11, Đặng Xuân Bảng: 18, Nguyễn Tư Giản: 11, Cao Xuân Dục: 17, Phan Bội Châu:13.

Cũng theo sách đã dẫn, các tác giả nêu trên chủ yếu viết về một lĩnh vực, cụ thể và phần lớn viết lịch sử, thi ca. Trong số các tác phẩm của Lê Quý Đôn, có nhiều tác phẩm đồ sộ cả về khối lượng trang viết và khối lượng thông tin dung nạp:

- Về nội dung, các tác phẩm của Ông bao quát nhiều lĩnh vực: văn, sử, triết, ngôn ngữ, thiên văn, địa lý, giáo dục, thư mục, kinh tế, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật, bói toán, phong thủy... nghĩa là tất cả các lĩnh vực khoa học từ thế kỷ XVIII người dân Việt Nam biết tới.

- Về hình thức, trước tác của Ông đa dạng: có sáng tác, biên tập, chủ giải, bút ký đọc sách, khảo sát thực địa, ghi chép tổng hợp, thơ, văn, biện luận, dịch, diễn ca, văn tế, các lối văn dùng trong thi cử thời đó như văn sách, văn chính luận; các loại tựa, bạt, ký sự, văn bia, câu đối...

- Về chữ viết, ông đa số dùng chữ Hán, những cũng là người đầu tiên dùng chữ Nôm trong các văn bản hành chính (bài Khải Nôm của Lê Quý Đôn trong Bắc sứ thông lục) và cả trong sáng tác

- Về chất lượng tác phẩm, hầu hết các tác phẩm được viết ra dù là dưới thể loại nào cũng đều nghiêm túc, cẩn trọng, đáng tin cậy về các thông tin đưa ra.

- Về cách làm sách, tác phẩm của Lê Quý Đôn thường có kết cấu chặt chẽ, hoàn chỉnh. tác phẩm nào cũng có bài tựa nói rõ mục đích soạn sách, phương pháp biên soạn, có khi có mục lục chi tiết và cuối cùng là tên, tên hiệu, nơi viết, ngày tháng năm viết đầy đủ rõ ràng. Có sách Ông còn có bài hậu tự, các lời giới thiệu của các học giả có tên tuổi. Chứng tỏ tác giả là người viết già dặn, có trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút và đây cũng là một dấu hiệu để xác định các tác phẩm của Lê Quý Đôn trong sự lộn xộn của nhiều dị bản.

Trước tác của Lê Quý Đôn chẳng những phản ánh trí tuệ, tài năng và tâm tư tình cảm của cá nhân Ông, mà còn phản ánh và thể hiện bao quát các tri thức đương thời, Ông được coi như một "Tập đại thành" của văn hóa Việt Nam thời kỳ trung đại.

2. Lê Quý Đôn đã gắn cả cuộc đời mình với sách vở. Quý sách, ham đọc, ham viết sách là nét tiêu biểu, là hình ảnh về Lê Quý Đôn. Người cùng thời của Ông là Tiến sĩ Trần Danh Lâm (1705-1777) viết: "Lê Quế Đường, người Diên Hà, không sách gì không đọc, không việc gì không suy xét đến cùng. Ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách. Sách đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết". Còn học trò của ông, Hoàng Giáp Bùi Huy Bích, trong Bài văn tế khi thọ tang kể rằng: Ông "Không ở đâu là không nghiên cứu cổ kim, bên trái đồ thư, bên phải điển tịch, thi thư trĩu giá, sách vở đầy nhà".

Để viết được hàng "trăm thiên sách", Lê Quý Đôn đã phải đọc hàng nghìn thiên sách, hàng vạn trang sách cổ kim. Ông đọc sách của Việt Nam, đọc sách Trung Hoa, đọc cả sách tây phương mà Ông có được khi đó. Đọc nhiều, hiểu nhiều, viết nhiều nên trong dân gian mới truyền tụng lời ca ngợi: "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn". Trong sách Học thuật và tư tưởng của Lê Quý Đôn, tác giả người Đài Loan Lâm Nguyệt Huệ, trong bài Lê Quý Đôn và Tây học viết: "Lê Quý Đôn nổi tiếng với số lượng tác phẩm phong phú, là người có tầm nhìn quốc tế, đồng thời có vị trí quan trọng trong lịch sử tư tưởng Nho học Việt Nam...Ông khá cởi mở với Tây học. Trong thời gian đi sử, ông đọc nhiều tác phẩm của các giáo sĩ truyền giáo ở Trung Quốc và đánh giá rất cao Tây học của các giáo sĩ Matteo Ricio (1552-1610), Guilio Aleni (1582-1649), Ferdinand Verbiest (1623-1649). Sự tiếp thu và đánh giá Tây học của Lê Quý Đôn được thể hiện nhiều trong Vân đại loại ngữ... Nhờ vào sự nhạy cảm khi tiếp xúc với nền văn hóa mới lạ, Lê Quý Đôn gỡ bỏ được ánh nhìn phân biệt Hoa - Di của Trung Quốc, chủ trương văn hóa các nước đều có điểm độc đáo, Trung Quốc không còn trung tâm của văn hóa và vị trí địa lý.” [6]

Một ví dụ về sức đọc của Lê Quý Đôn, để viết Vân đại loại ngữ, Ông đã đọc và sử dụng tới 851 lượt tác phẩm của 505 bộ sách Trung Hoa và Đại Việt, trong đó có sách là những bộ hàng trăm quyển như bộ Tư trị thông giám cương mục 294 quyển; bộ Tam tài đồ hội 106 quyển; bộ Sơ học ký 30 quyển; bộ Bắc Đường thư sao 160 quyển; bộ Thái bình ngữ lãm 100 quyển... Viết Quần thư khảo biện, Ông cũng phải đọc hàng trăm cuốn sách sử từ thời Hạ, Thương, Chu đến thời Tống, Nguyên... Ông còn phải đọc bao nhiêu nữa để viết các sách Âm chất văn chú, Dịch kinh phu thuyết, Đạo đức kinh diễn nghĩa, Địa lý toản yếu, Kim cương kinh chú giải, Sử luật toản yếu, Thái ất dị giản lục; Thư kinh diễn nghĩa, Xuân thu lược luận, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Toàn Việt thi lục...

Lê Quý Đôn suốt đời cặm cụi, từ việc tìm tòi thu thập sách vở, đọc, viết đến việc bảo quản thư tịch, Ông đều làm một cách mẫu mực Các học giả cùng thời và hậu thế đã coi Ông là một nhà tàng thư lớn trong lịch sử thư tịch nước nhà.

Trong cuộc đời Lê Quý Đôn có 4 lần ông được bổ nhiệm chức quan làm các công việc liên quan đến các kho sách quốc gia:

- Năm 1754 giữ chức Hàn lâm viện thị thư sung Toản tu Quốc sử quán.

- Năm 1762 làm Học sĩ Bí thư các.

- Năm 1767 giữ chức Thị thư tham gia biên tập quốc sử kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

- Năm 1775 giữ chức Lại bộ thị lang kiêm Quốc sứ quan Tổng tài.

Những chức vụ này giúp Ông trực tiếp với việc nghiên cứu, sắp xếp, bảo quản sách vở và hơn thế nữa đã tạo cho ông một môi trường đọc sách lý tưởng để thâu nạp tri thức, để trở thành “Tập đại thành” của Văn hóa Đại Việt.

2. Niên biểu Lê Quý Đôn cho thấy Ông là người đặc biệt năng động, đi nhiều, đọc nhiều và viết nhiều. Chính sự năng động đó đã giúp Ông tiếp cận được với nhiều kiến thức mới để qua đó tích luỹ và sáng tạo. Tri thức trong sách vở và kinh nghiệm phong phú của cuộc sống mà Ông tích luỹ được trong 58 năm sống, học tập và làm việc đã giúp Ông trở thành "nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam dưới thời phong kiến".

Lê Quý Đôn đã 19 lần thay đổi vị trí làm việc với rất nhiều lĩnh vực: văn, võ, kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục... trong đó:

- Làm việc ở Hàn lâm viện 4 lần vào các năm 1752, 1754, 1757, 1767-1769,

- Làm việc ở Quốc sử quán 3 lần vào các năm 1754, 1775, 1781,

- Làm việc ở Bí thư các 2 lần vào các năm 1752, 1767,

- Đi sứ 1 lần từ năm 1760 đến năm 1762,

- Làm quan chức lãnh đạo ở  Quốc tử  giám  2 lần vào các năm 1767 - 1769, 1777,

- Giữ trọng trách trong Phủ Chúa nhiều lần vào các năm 1756, 1764, 1770- 1772, 1773, 1774, 1776, 1778, 1783,

- Làm ở Võ ban 4 lần vào các năm 1756, 1770 - 1772, 1776, 1783 ,

Ông từ quan về quê hương Diên Hà sống từ năm 1765 đến năm 1767.

Quá trình làm việc nêu trên của Lê Quý Đôn chứng tỏ Ông là người năng động, hiểu biết và có khả năng giải quyết công việc trên nhiều lĩnh vực. Triều đình thay đổi vị trí làm việc của Ông nhiều lần, lần sau cao hơn lần trước hoặc quan trọng hơn lần trước chứng tỏ triều đình cần Ông, cần cái bản lĩnh và năng lực làm việc của Ông. Song, đây cũng là điều kiện giúp Ông có được nhiều cơ hội tiếp xúc thực tiễn xã hội được nhiều để thu thập các tri thức cần thiết. Cũng chính việc phải thay đổi công việc nhiều lần đòi hỏi Ông phải học hỏi, tìm hiếu nhiều lĩnh vực để thích ứng và giải quyết công việc mới.

3. Hai lần là người đứng đầu Quốc tử giám, lần thứ nhất từ năm 1767 - 1769, ông  làm Thị thư  Bí thư các, kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám (1767 - 1769), lần thứ hai vào năm 1777, ông làm Nhập nội Bồi tụng, Hộ bộ Tả thị lang, Hành Đô ngự sử kiêm Tế tửu Quốc tử giám, hay còn gọi là Thự Tế tửu. Nhiệm vụ của Lê Quý Đôn ở Quốc tử giám cũng như những Tư nghiệp hay Tế tửu khác, vừa làm nhiệm vụ quản lý cơ sở đào tạo cấp cao duy nhất của quốc gia này, vừa trực tiếp giảng dạy cho các sĩ tử. (Nhân đây xin nói thêm rằng có một số người hay nói Quốc tử giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam hoặc còn so sánh trường Giám ngày xưa với trường đại học hiện nay. Nói thế không đúng. Khái niệm đại học đối với Quốc tử giám không giống với khái niệm đại học hiện nay. Quốc tử giám khác xa trường đại học hiện nay cả về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị thế các học quan, chất lượng và phương pháp đào tạo). Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi rõ (Các viên Tri giám sự, Tế tửu, Tư nghiệp) phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn luyện sĩ tử, phải chiếu chỉ truyền năm trước, hằng tháng theo đúng kỳ cho tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước[7]. “Với tư cách là người đứng đầu Quốc Tử Giám, Tế tửu không chỉ là chức quan chịu trách nhiệm toàn trường Giám thực hiện đúng chủ trương chính sách do vua và triều đình ban xuống mà còn trực tiếp giảng dạy học trò các bộ Ngũ kinh, Tứ thư cùng các sách Thánh hiền khác. Các Học quan khác như Tư nghiệp, Trực giảng, Ngũ kinh học chính, Học chính, Trợ giáo, Giáo thụ vừa giúp việc cho quan Tế tửu, vừa làm nhiệm vụ đào tạo và tuyển lựa nhân tài thông qua việc giảng bài, rèn tập văn bài cho Giám sinh theo chương trình giảng tập nhà nước quy định” [8].

Về việc giảng dạy cho sĩ tử, ngoài giờ lên lớp như các ông giáo khác, Lê Quý Đôn còn xây dựng một thư mục sách dành cho việc đi học đi thi để thày và trò Quốc tử giám căn cứ vào đó mà tìm đọc. Sách Liến văn tiểu lục, ông viết năm 1777 còn ghi rõ: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, hàng năm ban phát sách công cho các phủ như Tứ thư, Ngũ kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển và Cương mục. Học quan do đấy để giảng dạy, khoa cử do đấy để lấy nhân tài; từ lúc Trung hưng về sau, quan trường ra đầu bài chỉ lấy trong Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Thiếu vi thông giám, Đề cương, Ngốc trai, Tứ đạo đường sách và Nguyên lưu chí luận. Năm Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa nghị đình bỏ các sách Đề cương, Ngốc trai, Tứ đạo trường sách và Nguyên lưu chí luận vì các sách ấy đều văn chương chi diệp. Lúc ấy hạ lệnh cho sĩ tử trong nước học các sách Cương mục và Tả truyện. Gần đây thi Đình hỏi xem cả đến sách Chu lễ quảng nghĩa và Đại học diễn nghĩa.[9] Các sách ấy là thế nào?

Tứ thư gồm: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử.

Ngũ kinh gồm: Mao thi, Thượng thư, Chu dịch, Lễ ký, Xuân thu.

Ngọc đường văn phạm.

Văn hiến thông khảo, 348 quyển do Mã Đoan Lâm nhà Nguyên soạn.

Văn tuyển, cũng gọi là Chiêu sinh văn tuyển, 602 quyển do Tiêu Thống, Chiêu Minh Thái tử nhà Lượng soạn.

Cương mục, tức Thông giám cương mục, 592 quyển do Chu Hy nhà Tồng biên soạn.

Tính lý đại toàn, 70 quyển do Hồ Quảng nhà Minh [Thành tổ] soạn.

Thiếu vi thông giám, chính là Thiếu vi thông giám thiết yếu, do Giang Chi nhà Tồng biên soạn.

Ngốc trai tức Ngốc trai thập khoa sách lược do Lưu Định Chi nhà Minh biên soạn. 

Thư mục này thật là thuận tiện cho sĩ tử tìm sách đọc.

Lê Quý Đôn dạy học trò không chỉ có các tri thức để đi thi mà còn dạy cả đạo làm người, dạy cả các tri thức của cuộc sống. Bài văn tế của học trò trước mộ ông ở Diên Hà mấy trăm năm trước còn ghi: “Sự dạy bảo của thày không liệt ở năm bậc luân thường, nhưng năm bậc luân thường cũng từ đó mà xếp đặt” [10] hoặc “Kính nghĩ thày ta là tinh túy của suối nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, cho nên lúc rảnh rỗi việc thêu trời dệt đất, thì đem học vấn để nhuần nhuyễn cho môn sinh, mọi cốt lõi đi tới thẳng ngay, mọi kẻ uống trở thành no đủ, vậy ai chẳng phải do sự ban cho của thày mình vậy.” [11]. Ông là tấm gương sáng cho học trò cả về việc học chữ và học làm người. Hàng chục thiên sách nói về đạo làm người, đạo làm quan được ông biên soạn như các thiên sách diễn giải các kinh điển Nho gia, các thiên sách Sĩ quy trong Vân đài loại ngữ,  Châm cảnh trong Kiến văn tiểu lục,  Thánh mô hiền phạm. Ông cũng là người soạn các sách yêu cầu những bậc làm quan, các sĩ tử phải đọc hàng ngày.

Con đường để cậu bé Lê Danh Phương thông minh, dĩnh ngộ trở thành nhà bác học Lê Quý Đôn, thày giáo Lê Quý Đôn như đã hiện hữu là con đường học tập phấn đấu, rèn luyện không ngừng nghỉ. Trên cương vị người thày cả nơi trường ốc lẫn trong cuộc sống hàng ngày, Lê Quý Đôn để lại trong tất cả học trò của ông không chỉ các kiến thức giảng dạy mà còn cả một tấm gương trong sáng và tình yêu thương con người. Cái tình ông dành cho hậu thế đã giúp cho học trò của ông hướng thiện giúp họ hình thành nhân cách. Cái chữ ông dạy giúp học trò trở thành những ông Tiến sĩ, Hoàng giáp, thành những nhà nho thông tuệ của trí tuệ Đại Việt. Cái gương ông dành cho học trò giúp họ chịu khó học hỏi, sống đạo đức và nặng tình yêu thương con người, giúp họ rèn luyện để làm một công bộc tử tế cho đất nước.

Lê Quý Đôn thực là một học quan, một người thày đầy đủ cả về trí tuệ và nhân cách của nước Đại Việt.

 

                                                               Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2015.

                                                                                       P. H. T

 

 

 

 

 

 

[1] Bài văn của học trò đặt trước linh sàng tế Quế Đường Tiên sinh (ngày lễ thành phục). Trong sách Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII. Thái Bình, Ty Văn hóa và Thông tin, 1979, tr 262

[2] Bài văn của học trò đặt lễ tại nhà đọc sách tế Quế Đường tiên sinh. Sđd, tr 264

[3] Bài văn tế của học trò đặt lễ trước mộ thày ở Diên Hà, khi làm lễ an tang Quế Đường tiên sinh. Sđd, tr 264

[4] Bài văn của học trò ở Kinh sư tới nhà đọc sách đặt lễ thày, khi làm lễ an táng Quế Đường tiên sinh, Sđd, tr 265

[5] Trịnh Thị Hà / Thày giáo trường Quốc tử giám (từ thế kỷ thứ XI đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX). Nguồn http://vssr.vass.gov.vn/noidung/TapChi/Pages/baiviet.aspx?ItemID=197

 

[6] Học thuật và tư tưởng của Lê Quý Đôn/Nhiều tác giả. Đài Loan, Đại học Phụ Nhân, 2013.

[7] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Mục Quan chức chí, t.1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.586.

[8] Trịnh Thị Hà (2015). Thày giáo trưởng Quốc tử giám (từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX).  http://vssr.vass.gov.vn/noidung/TapChi/Pages/baiviet.aspx?ItemID=197

[9] Kiến văn tiểu lục, H, KHXH, 1977, tr 96.

[10] Sđd, tr 264.

[11] Sđd, tr 264


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ