Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Một vài tư liệu ban đầu về nơi thờ tự Đức Thủy tổ Phúc Thiện Công
(Cập nhật ngày: 22/12/12 09:39 PM)
 
 
BBT Gia phả vừa sưu tầm một số tư liệu ban đầu về nơi thờ tự Đức Thủy tổ Phúc Thiện Công, mong nhận được ý kiến đóng góp bổ sung, chỉnh sửa của các cụ cao tuổi và con cháu trong Họ
 
Theo lời kể của các cụ trong Họ ở làng Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, Thái Bình (Cụ Lê Hữu Lang, 82 tuổi, cụ Lê Trọng Phái, 75 tuổi, cụ Lê Trọng Nhân, 76 tuổi) thì đất cụ Dưỡng Tổ ở trước đây là khu đất ở trước cửa Từ đường (Nhà thờ Đại tôn); nay gia đình cụ Lê Trọng Nhân đang ở.






Nơi cụ Dưỡng Tổ và cụ Thuy Tổ ở và được thờ trước đây

 
Sau khi cụ Dưỡng Tổ và cụ Thủy tổ Phúc Thiện Công mất thì hai cụ đều được thờ ở đó và do ngành thứ 2 (Cụ Phúc Lương) kế thế con trưởng (con trưởng mất sớm) trông nom.
 
Năm 1735 cụ Lê Trọng Thứ xây Nhà thờ Họ Lê ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Duyên Hà (nay là Hưng Hà), tỉnh Thái Bình.
 
Năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại 13 (1938), Nhà thờ được tu sửa. văn tế khánh thành tu sửa tháng 2 năm Mậu Dần có ghi:
 
Kính nghĩa Tổ tiên
Nếp nhà hiếu nghĩa
Nổi tiếng trung thành
Khoa cử vẻ vang
Tiếng thơm muôn thuở
 
… Kính tại: Từ đường đại tôn:
 
Các vị khai sáng
Từ đời Lê Sơ
Trải qua các đời
Gần 200 năm
Đến nay đã lâu
Từ đường mục nát
Chưa lần tu sửa
Trên đất linh thiêng
 
Nay trong Nhà thờ, câu đầu bên trái ghi “Chính châm tọa Quý hướng Đinh kiêm Tý Ngọ phùng Châm Canh Tý Canh Ngọ phân kim”, dịch nghĩa là: Nhà thờ lưng hướng Bắc, nhìn về hướng Nam gặp Hào (trong quẻ bát quái) Canh Tý-Canh Ngọ.
 
Câu đầu bên phải ghi “Ất Mùi Đinh Hợi Quý Mùi … Thập lục nhật Ất Mão”. Tra cứu lịch thì tương ứng với các năm 1775, 1767, 1763, ngày 16 tháng 1 Ất Mão (1735).
 
Tra cứu tư liệu dòng Họ, thấy có những sự kiện sau liên quan đến những năm ghi trên câu đầu bên phải như sau.
 
-         Năm 1763:  Cụ Lê Quý Đôn viết “Bắc xứ thông lục”, được cử coi thi Hội. Năm 1765 Cụ dâng sớ không nhận làm Tham chánh Hải Dương, xin về hưu. Theo Phan Huy Chú thì lời sớ đại khái viết: “Tấm thân từng đi muôn dặm, còn sống về được lại gặp cảnh vợ chết, con thơ phiêu bạt chỗ giang hồ. thần thực sự không thích làm quan nữa, xin cho về làng”. Được chấp thuận, cụ trờ về quê đóng cửa viết sách.
 
-         Năm 1767: Chúa Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên ngôi, theo lời tâu của Nguyễn Bá Lân, chúa cho triệu cụ Lê Quý Đôn về triều, phong chức Thi thư, tham gia biên tập Quốc sử, kiêm tư nghiệp Quốc Tử Giám.
 
-         Năm 1775: Khoa thi Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36, thí sinh Lê Qúy Kiệt, con trai Lê Quý Đôn, đổi quyển thi với thí sinh Đinh Thời Trung, bị đầy đi Yên Quảng (Quảng Ninh).
 
Đến đời thứ 5, các cụ Hợp Phái, Văn Ngũ, Văn Cố, Văn Uân, cụ Sử, cụ Thừa thuộc ngành cụ Phúc Lương có con cháu nam nữ vị tường, sau có danh lập, danh cố tha phương mất tích. Đồng thời Nhà thờ cụ Dưỡng tổ và cụ Thủy tổ đã hư hỏng nhưng không có điều kiện sửa chữa.
 
Trước tình hình đó, cụ Lê Quý Kiệt thuộc đời thứ 5, con trưởng cụ Lê Quý Đôn, bàn bạc với các cụ bô lão, được sự đồng thuận của cả Họ lúc bấy gời, đã chuyển bát hương và bài vị của cụ Dưỡng tổ và cụ Thủy tổ Phúc Thiện Công lên Nhà thờ Họ. Cụ Dưởng tổ ngự ở ban thờ bên phải, cụ Thủy tổ ngự ở ban thờ bên trái.
 
Sau này cụ Lê Quý Kiệt mất cũng được gia tộc đưa về thờ ở gian giữa, cùng ông nội và bố đẻ là tam đại đồng triều và được duy trì cho tới nay. (Cụ Lê Quý Kiệt đỗ hương cống năm 18 tuổi, làm Trực học sĩ thời Lê, Đông các học sỹ thời Nguyễn).
 
Trước năm 1940, nước sông Hồng chảy siết, sói vào bờ phía tỉnh Thái Bình, nơi cư trú của con cháu cụ Thủy tổ, làm sạt lở mất ruộng, vườn và đất ở; đồng thời đã bồi đắp phía bờ sông tỉnh Hà Nam, tạo thành một bãi soi lớn. Được sự đồng ý của chính quyền, dòng họ họp bàn, động viên các gia đình san sẻ người sang bãi soi khai hoang giữ đất, lập làng mới, lấy tên là làng Duyên Hà, nay thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
 
Năm 1943 con cháu ở làng mới về Từ đường Nhà thờ Đại tôn ở làng cũ, rước chân nhang của cụ Dưỡng tổ và cụ Thủy tổ để nhập trạch vào Nhà thờ Họ ở làng mới.
 
Thời đó, mọi người vần thường đi lại giữa làng cũ và làng mới, và dùng từ “sang soi”, “về làng” để nói với nhau về việc đi lại giừa 2 làng.
 
Qua đó, thấy rằng, với con cháu Đức Thủy tổ Phúc Thiện Công, dù đi đâu, ở đâu thì thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, Thái Bình vẫn là quê hương, nguồn cội gần gũi của mình.
 
Gia phả Họ Lê viết bằng chữ Nôm tháng 2 năm nhuận Đinh Tỵ, niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), đồng tộc Họ Lê xã Phú Hảo cùng nhau biên chép gia lễ, cung kính chiểu theo các tiết tế tự ở Từ đường, ghi:
 
“Hàng năm vào ngày 13 tháng 3 là ngày giỗ cụ Thủy tổ, khấn theo nghi thức tế lễ mùa xuân, khoản thứ nhất và thứ 2. Một sào đất để trồng các loại cau, trà, hơn 2 sào ao trước cửa lớn, 2 sào đất đằng sau chính tẩm. Nay kính cẩn giao,cho cháu đời thứ 9 là Lê Quý Tạc (Chi cụ Lê Quý Đôn) trồng trọt, thả cá sinh lời để cuối năm chi vào các khoản đèn nhang, trà, hoa quả ở Từ đường.   
 
Trên đây là những thông tin tìm hiểu được từ tư liệu của Họ và lời kể của các cụ ở làng Đồng Phú (Thái Bình) và làng Hưng Hà (Hà Nam), chắc còn nhiều điều phải bổ sung, chỉnh sửa. Cúng tôi mạnh dạn đưa lên Website của Họ, mong nhận được sự đóng góp ý kiến bổ sung, chỉnh sửa của các cụ cao tuổi và con cháu trong toàn Họ, lưu lại cho con cháu các đời sau thành tư liệu chính thức của Họ.
 
Xin trân trọng cảm ơn.
 
Thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình, tháng 12/2012
Ban biên tập Gia phả.
 
 
 
 
 

 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ