Chào mừng quý khách đến với website Dòng Họ Lê Quý !
     
 
   Tỷ giá
 
Bài Văn điểm 10 thi đại học “thức tỉnh” các ông bố bà mẹ
(Cập nhật ngày: 09/07/17 04:10 PM)
 Những dòng cảm xúc trên nằm trong bài văn 800 chữ đã đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi tuyển sinh Đại học của Trung Quốc năm 2016. Bài viết rất đáng suy ngẫm của nam sinh Quảng Đông, Trung Quốc được thầy giáo Trịnh Quỳnh (giáo viên Văn học Trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Nam Định) dịch và giới thiệu trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ lớn của người đọc.

Qua hình thức một bức thư gửi mẹ, nam thí sinh đã mượn dịp này lần đầu “trút” nỗi lòng của một đứa con luôn được mẹ kỳ vọng trở thành người xuất sắc nhất. Một đề văn hay và một bài làm giản dị, súc tích, giàu cảm xúc, có khả năng “thức tỉnh” nhiều vị phụ huynh.

Dân trí đăng tải bài văn thi đại học đạt điểm 10 giới thiệu cùng quý độc giả, đặc biệt là các bậc cha mẹ!

Đề bài:

Trên một bức tranh châm biếm vẽ hai học sinh đang giơ số điểm thành tích bài thi lên, trên má một học sinh có in hình chiếc môi vừa hôn lên đó, trên má một học sinh khác in hằn cát tát của bàn tay… Yêu cầu: kết hợp nội dung và ngụ ý của bức tranh châm biếm, lựa chọn góc độ, lập ý và thể loại văn phải rõ ràng, tự đặt mệnh đề cho bài làm. Không được rập khuôn, không được sao chép. Làm bài văn trên 800 chữ.

Hình ảnh xuất hiện trong đề thi.
Hình ảnh xuất hiện trong đề thi.

 

Dưới đây là bài làm đạt điểm tối đa:

Bức thư gửi mẹ

Mẹ thân yêu!

Trước hết con xin mượn một câu danh ngôn như sau: “Con người có thể leo lên đỉnh cao của danh dự, nhưng lại không thể nào sống lâu dài ở trên đó”. Con biết rằng mẹ gửi gắm niềm hy vọng tha thiết vào con, mong con mãi mãi là người con xuất sắc nhất, con cảm thông trước tâm trạng của mẹ mong con có thể như cá chép hóa rồng, trên thế gian này có người mẹ nào mà không mong con cái mình trở thành người con xuất sắc? Nhưng hôm nay con muốn thưa với mẹ rằng, xin mẹ tha thứ cho con không thể lúc nào cũng có thể trở thành đứa con xuất sắc nhất.

Con nhớ hồi con còn nhỏ, mẹ luôn đem con ra so sánh với con cái của người khác... Con nhớ thằng em họ có khi đến nhà mình ăn cơm lại nói: “Nào… đứa nào ăn nhanh nhất nào”. Mỗi lần thấy con ăn xong nhanh nhất mẹ lại gật gật đầu hài lòng.

Con nhớ hồi con tập đàn piano, mỗi lần tập mẹ lại ngồi nghe con đánh cho đến lúc âm điệu các nốt nhạc dưới ngón con trở nên trôi chảy rồi mẹ mới mỉm cười hài lòng và cho phép con rời khỏi cỗ đàn. Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano. Mọi thứ đều từ kỳ vọng quá cao của mẹ.

Khi đứa bạn cùng lớp con cầm lá đơn thành tích được đánh giá trình độ trung bình mà vẫn hớn hở về nhà vì thành tích bạn đó có sự tiến bộ hơn. Nhưng trong lòng con thì lại hồi hộp vì mẹ yêu cầu con lần thi nào cũng phải đạt thành tích 95 điểm trở lên. Cho nên con mới lo sợ mặc dù thành tích của con đã rất tốt so với các bạn cùng lớp rồi.

Mẹ ơi, con mong mẹ có thể hiểu được mà cảm thông với con. Đôi khi áp lực cũng chính là động lực thật nhưng nhiều khi áp lực như quả trứng gà vậy. Trứng gà mà nứt mà bị nứt từ bên trong ra ngoài thì đó là sự sống nhưng trứng gà bị vỡ từ bên ngoài vào trong thì đó là sự diệt vong. Con mong được mẹ tôn trọng ý nguyện chân thật nhất của con từ trong nội tâm chứ không phải chỉ cứ gây áp lực cho con. Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu. Cũng như nhà tư tưởng nhà văn Pháp Rousseau nói: “Trước khi trẻ em khôn lớn nên người, thế giới tự nhiên mong muốn trẻ em được sống như những trẻ em thực sự”.

Đôi khi con cũng liên tưởng đến các hiện tượng “mẹ hổ cha sói” trong xã hội. Họ là những phụ huynh nghiêm ngặt nhất chỉ mong con cái mình từ nhỏ đã có thể giành thắng lợi ngay trên vạch xuất phát có thể khác hẳn so với số đông người. Thế nhưng con cảm thấy con cái của họ không có niềm vui thực sự.

Mẹ ơi, con biết, mẹ lúc nào cũng thương yêu con. Cái vẻ bên ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị của mẹ chẳng qua cũng vì mẹ mong muốn con càng xuất sắc hơn mà thôi. Có lẽ mẹ nên chọn biện pháp khác để chỉ bảo hướng dẫn cho con, động viên con. Con càng mong muốn có thể thấy mẹ của mình là một người phụ nữ dịu dàng hiền hòa.

Hôm nay con đang ngồi trong trường thi tuyển sinh đại học, rất có thể con đường đời dài dằng dặc sau này sẽ được viết bằng hoặc có sự thay đổi ngay dưới ngòi bút của con. Con chỉ muốn mượn dịp này muốn thưa với mẹ một câu rằng: lần này mẹ hãy để con là một người của chính con thực sự. Bất kể kết quả ra sao con cũng không hối hận.

Cảm ơn mẹ!

Con trai mẹ.

(Bài làm của thí sinh ở Quảng Đông - Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2016 ở Trung Quốc)

***

Thầy Trịnh Quỳnh - người giới thiệu bài văn trên cho hay, vì quá ấn tượng với đề và cả bài làm nên anh đã quyết định dịch lại chia sẻ cùng mọi người.

Theo thầy Quỳnh, hướng ra đề văn này rất mở từ việc không giới hạn thể loại, không giới hạn số từ, không giới hạn về văn bản… Nhưng quan trọng nhất là đề thi hoàn toàn mở về cách nghĩ, thậm chí còn không có hướng dẫn chấm (điểm) cụ thể. Điều đó tạo nên những bài văn hoàn toàn khác nhau. Học sinh được nói lên tiếng nói của chính mình không câu nệ vào suy nghĩ quan điểm của người chấm chứ không phải là một bài giáo dục đạo đức đơn thuần.

Đánh giá về bài văn đạt điểm tuyệt đối của nam sinh Trung Quốc, thầy giáo trẻ cho biết, anh rất ấn tượng với lối hành văn giản dị nhưng chân thành, giàu cảm xúc. Đó là những suy nghĩ giản đơn nhưng khó nói, em học sinh mượn đề bài để chia sẻ tới phụ huynh của mình.

Đọc bài làm không ít phụ huynh phải giật mình vì đã tạo áp lực từ bên ngoài cho con em mình. Có những câu văn khiến chúng ta phải suy nghĩ lại: Tuy con không hẳn ghét chơi đàn piano, nhưng con chán ớn việc thi trình độ chơi đàn piano; Quá trình trưởng thành của con không phải được quyết định bởi ý chí riêng của mẹ đâu; Thành tích lợi ích đều như lá cây chớ nên bị lá cây che mắt… Qua đó người đọc có thể cảm nhận được sự dũng cảm khí dám nói lên tiếng nói riêng, sự trưởng thành trong suy nghĩ của tuổi trẻ.

Đặc biệt, bài văn nói về áp lực học tập là vấn đề không mới nhưng luôn “nóng” trong xã hội nhiều nước châu Á - nơi học sinh đều phải trải qua những kỳ thi đại học khốc liệt nhất.

“Nguyên nhân có thể do truyền thống thi cử lập thân lập danh trọng bằng cấp. Áp lực từ những bậc cha mẹ muốn con trưởng thành ngay từ vạch xuất phát, áp lực từ đánh giá dựa vào số điểm thành tích dành cho học sinh, giáo viên và ngay cả nhà trường phổ thông.

Nhiều học sinh chỉ biết học để đi thi còn thi xong để làm gì thì chưa trả lời được. Việc học để đi thi bỗng dưng trở nên vô ích. Học tập không phải vì mục đích thi cử, thi cử chỉ là cơ hội thể hiện mình”, thầy giáo Trịnh Quỳnh nêu quan điểm.

Bài văn đạt điểm tuyệt đối như một lời thức tỉnh cho nhiều phụ huynh châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nói về điều này, thầy Trịnh Quỳnh cho rằng: “Nhiều cha mẹ Việt ép con em phải tham gia các cuộc thi từ âm nhạc, thể thao... mong muốn các em đạt thành tích từ rất nhỏ mà không biết các em có thực sự đam mê. Nhiều em bị tổn thương khi bị loại khỏi các cuộc thi. Nhưng nhiều em tích lũy cho bảng thành tích của mình những giải thưởng, những hồ sơ toàn điểm mười, những bằng khen... khi mọi thứ bão hòa thì những con số đó trở nên vô nghĩa, thậm chí là có hại”.

Lệ Thu


 Các tin khác
 
Yahoo Chat: Trợ lý
Yahoo Chat: Quan tri
Yahoo Chat: Trợ Lý
Skype Call: Hỗ trợ