Thiên tài vốn là sản phẩm từ một gia đình, nhưng luôn gắn liền với hoàn cảnh phát triển của xã hội, của thời đại, của lịch sử. Năng lực của một thiên tài đích thực luôn phải gắn liền với thiện tâm mới có thể phát huy đầu óc sáng tạo của mình vì lợi ích của mọi người.
Thế nào là một thần đồng, một thiên tài? Có thể tìm thấy câu trả lời qua thực tế cuộc sống lịch sử xưa và nay.
Từ thời Lê Trịnh, Lê Quý Đôn (1726-1784) mới 5 tuổi đã biết làm thơ. Một hôm lúc cậu đang chơi ở cổng làng, bỗng xuất hiện một người lạ từ xa đến hỏi thăm nhà Tiến sĩ Lê Phú Thứ - bố cậu. Đang tồng ngồng, cậu bé dạng háng, rồi đặt tay chéo qua háng, thách đố vị khách, đố biết là chữ gì thì sẽ bày nhà cho. Vị khách giận quá, bảo cậu bé hỗn láo, không thèm trả lời. Vẫn không buông tha, cậu lại nói toáng lên: ồ chữ thái, mà không biết. Lát sau, cậu bé quay về nhà, vị khách không ngờ cậu bé chính là con bạn mình, bèn mách lại. Khách khen cậu bé thông minh, nhưng bố cậu liền bắt phạt: Nếu làm được bài thơ thất ngôn bát cú, mỗi câu phải có chữ rắn (rắn đầu) thì được tha, nếu không sẽ bị đòn roi. Thế là cậu liền ứng khẩu đọc ngay:
"Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha...
Giai thoại kể rằng, một quán nước ở đầu làng bị cháy, chủ quán lo quá, vì cái sổ nợ ghi tên người làng uống rượu chịu, bị thiêu trụi, bèn phàn nàn với mọi người. Cậu Đôn chơi tha thẩn ở đó, liền đọc vanh vách tên các con nợ. Chủ quán vô cùng ngạc nhiên, bèn hỏi cậu tại sao cháu biết? Cậu nói, có lần ngồi chơi ở quán, cậu đã mở sổ ra đọc, rồi nhớ mãi. Sướng quá, chủ quán vội thưởng cho cậu mấy cái kẹo bột! Về sau, khi đã lớn, thần đồng Lê Quý Đôn thi đậu Bảng nhãn (kỳ thi này không tuyển Trạng nguyên). Làm quan thời Lê, ông đề cao pháp trị, chủ trương trọng dụng người tài. Với trí tuệ uyên thâm của nhà bác học, ông được cử làm Tư nghiệp (Hiệu phó) trường Quốc Tử Giám. Say mê sáng tạo, kiên trì làm việc trên nhiều lĩnh vực khoa học, ông đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn và nhiều sách nghiên cứu hết sức giá trị. Là người "thông minh bậc nhất", ngày nay cũng không dễ gì tìm được ai sánh kịp ông về phẩm chất kẻ sĩ cũng như tri thức hàn lâm, tri thức đời sống và tri thức thực tiễn. Ông là người đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ XVIII "chấp nhận lý thuyết quả đất tròn". Trong dịp đi sứ sang Trung Quốc, ông nêu cao niềm tự hào dân tộc và bộc lộ rõ trình độ uyên bác không thua kém họ về văn hóa, từ chương.
Nói đến người thiên tài, từ lâu giới khoa học đều thừa nhận đó là thứ mầm mống trời phú cho, khó lòng giải thích được. Ví như nhạc sĩ Mozart ở tuổi lên sáu đã viết lại hoàn chỉnh bản nhạc vừa nghe vang lên từ phía nhà thờ. Các bậc thiên tài âm nhạc như Beethoven, Chopin, Traikovxki... đều bộc lộ tài năng vào tuổi ấu thơ, được thiên hạ cùng thời ngưỡng mộ và trở thành bất tử.
Thi hào Nguyễn Du là một thiên tài kiệt xuất từng để lại mấy trăm bài thơ trữ tình cùng truyện thơ tuyệt vời Đoạn trường tân thanh. Động lòng trắc ẩn, nhà thơ từng rơi lệ trước nỗi đau của biết bao thân phận đàn bà cũng như hàng triệu thập loại chúng sinh! Vì thế mà được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hoá nhân loại và quả là thơ văn của ông vẫn đang lung linh sống động trong lòng nhân dân đến tận bây giờ, qua bộ phim Long thành cầm giả ca. Có thể kể thêm các bậc tài hoa khác như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát v.v..., mà vua Tự Đức đã không tiếc lời ngợi ca: "Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường"! Song chế độ phong kiến hà khắc và lạc hậu trước đây đã kìm hãm năng lực phát sáng của họ. Điều chủ yếu đối với các bậc thiên tài là được nảy sinh trên mảnh đất nào và được bàn tay ai vun bón, nuôi dưỡng và sử dụng ra sao đã đem lại lợi ích cho xã hội. Ngày nay, GS. Ngô Bảo Châu cũng là một thiên tài còn rất trẻ mà đã giành được Huy chương Fields (ngang với Nobel) góp phần làm rạng rỡ non sông nước Việt chúng ta.
Từ xa xưa trên lĩnh vực này, Khổng Tử từng phân loại khá hợp lý: trong xã hội có thể chia ra ba lớp người: Lớp thứ nhất: sinh nhi tri chi, sinh ra là đã biết rồi, tức là thần đồng; lớp thứ hai: học nhi tri chi, nghĩa là học khắc biết; còn lớp thứ ba: nan nhi tri chi, nghĩa là khó nhọc lắm mới biết được. Quan trọng hơn là bậc thiên tài đó phục vụ cho ai và có đem lại lợi ích gì cho nhân dân, cho cộng đồng hay không? Tuy vậy, dù ở góc độ nào thì bản thân người có tài bẩm sinh ấy vẫn phải say mê, liên tục học tập, lao động khoa học và cần được nuôi dưỡng sao cho tài năng đơm hoa kết trái? Chính vì thế mà Goethe - đại thi hào nước Đức từng chỉ rõ: "Thiên tài là sự kiên nhẫn lâu dài".
Mặt khác, đã có lần trên đường đi thuyết khách, Khổng Tử ghé vào một vương quốc nọ; chú tiểu đồng thấy họ đón tiếp lạnh nhạt, vội giục Ngài ra đi. Song Ngài nói: Để xem họ tiếp đãi ta ra sao hẵng đi?!
Muốn cho thiên tài phát huy được năng lực, thì các cơ quan quản lý cần phải tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cũng như tinh thần được tự do tỏa sáng, biến trí tuệ thành hành động thực tiễn trong đời sống, đem lại lợi ích cho một quốc gia, một dân tộc và rộng ra cho nhân loại. Như Bill Gates - vị thần đồng về công nghệ thông tin từng cống hiến cho đời bao điều kỳ diệu, ngày nay đã trở thành người giàu có bậc nhất thiên hạ, lại vừa là nhà từ thiện dẫn đầu cả thế giới đã góp phần lớn tài sản riêng của mình hiến tặng vì lợi ích của cộng đồng.
Tuy vậy, lịch sử thế giới cũng từng chứng kiến có không ít nhân vật thiên tài đã đi ngược lại quyền lợi của con người, thậm chí còn gây bao tội ác khủng khiếp. Nếu nhà khoa học có tài mà chế ra vũ khí hạt nhân và các chất độc khác vỡ mục đích giết hại đồng loại thì đó lại là kẻ đáng tội trời tru đất diệt. Chẳng thế mà viên phi công Mỹ từng ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, về sau đã sám hối, rồi phát điên và tự tử đó sao? Mặc dù hắn chỉ là kẻ thừa hành mệnh lệnh của kẻ khác! Ở thế kỷ XIX, tướng Napoléon - "nhà quân sự thiên tài" (Angghen) bậc nhất thế giới đánh đông dẹp bắc, đến đâu thắng đấy, nhưng lại là người dùng tài năng không đúng chỗ, trở thành kẻ liều lĩnh khát máu. Bằng bàn tay phản Chúa, gã đã đẩy nhân loại vào chiến tranh chết chóc liên miên, nướng hàng triệu dân đen trên ngọn lửa hung tàn và cuối cùng Napoléon tự kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của mình trong thất bại thảm hại, rồi bị tù đày trên hòn đảo giữa đại dương mênh mông, cô quạnh đến chết.
Ngược lại, nguyên soái Kutuzov, với tài năng điều binh khiển tướng lỗi lạc đã đánh tan hơn 60 vạn quân xâm lược do Napoléon chỉ huy, giải phóng nước Nga và cứu châu Âu thoát khỏi ách thống trị của hoàng đế nước Pháp.
Nhìn một cách khái quát, người thiên tài vốn là sản phẩm từ một gia đình, nhưng luôn gắn liền với hoàn cảnh phát triển của xã hội, của thời đại, của lịch sử. Năng lực của một thiên tài đích thực luôn phải gắn liền với thiện tâm mới có thể phát huy đầu óc sáng tạo của mình vì lợi ích của mọi người
(Hào Khí Việt)