Lê Minh Quốc
Một buổi trưa nắng, lũy tre xanh xạc xào trong gió. Bên dòng sông xanh biếc, có một quán nhỏ nằm dưới gốc đa, chủ nhân là một bà lão đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Khách là một thư sinh ngoài hai mươi, có lẽ từ xa mới đến. Bước vào quán, trong khi đợi cơm, theo thói quen khách với tay lấy quyển sổ đang treo trên vách xuống xem. À thì ra đây là quyển sổ nợ. Khách vừa đọc xong thì cơm cũng vừa dọn lên. Ăn xong, khách đi ngay. Buổi chiều, quay lại trên con đường này thì nào ngờ quán đã cháy trụi. Bà lão án quán đang ngồi khóc tỉ tê, khách tới an ủi, thì bà mếu máo nói:
- Quyển sổ nợ cháy mất rồi. Chả nhớ ai nợ bao nhiêu để mà đòi!
Khách đứng ngẫm nghĩ một lát, rồi lấy bút ra ghi lại tên từng người, với số tiền nợ. Bà lão nửa tin nửa ngờ đi đòi thì quả nhiên không sai, không sót một ai. Ai nấy đều kinh ngạc cho trí nhớ phi thường này.
Người đó chính là thần đồng Lê Quý Đôn, sinh ngày 2.8.1726 tại làng Phú Hiếu, huyện Diên Hà (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, Thái Bình) là con trai của tiến sĩ Lê Phú Thứ. Mới hai tuổi, ông đã biết viết chữ “hữu” (có) và chữ “vô” (không), năm tuổi đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi, mười một tuổi đọc Kinh Dịch, mười bốn tuổi thì đọc hết Tứ Thư, Ngũ Kinh… Có lần ông nghịch ngợm trêu đùa một người bạn của cha bị cha lăm lăm chiếc roi mây và mắng:
- Đồ rắn đầu rắn cổ! Sao bố đã nói mà con không vâng lời?
Không ngờ cậu bé tám, chín tuổi nghe cha mắng như thế liền ứng khẩu tạ tội bằng bài thơ Đường luật – mà mỗi câu đều có tên là một thứ… rắn:
Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không thay
Thẹn đèn hổ lửa, đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm, rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng dối trá
Lằn lưng, cam chịu vọt năm ba
Từ rày Châu Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!
Với sức học uyên bác và trí nhớ siêu phàm như thế, Lê Quý Đôn thi đâu đỗ đó. Năm 17 tuổi ông đi thi hương đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đi thi hội đỗ Hội nguyên, rồi vào thi đình đỗ Bảng nhãn. Sau khi thi đậu, ông được bổ làm Thị Thư ở Viện hàn lâm, rồi làm ở Ban toản tu quốc sử, sau đó được cử đi điều tra trấn Nam Sơn, rồi biệt phái sang phủ chúa. Năm 1757 được thăng chức Thị giảng Viện hàn lâm, năm 1760 khi vua Lê Ý Tông mất, ông được cử làm phó sứ cùng Trần Huy Mật cầm đầu phái đoàn sang Trung Quốc báo tang. Điều đáng kể trong chuyến đi này là khi về đến Quế Lâm, ông đã viết thư cho quan đầu tỉnh Quảng Tây, phản đối việc Thanh triều đã dùng chữ “di quan” (quan lại mọi rợ) để gọi sứ bộ ta trên văn thư của họ. Trước sự ngoại giao ứng đối, biện bác sắc sảo khiến nhà Thanh phải chấp nhận đề nghị của ông, ra thông báo cho các địa phương Trung Quốc, khi nói về sứ bộ của nước ta phải dùng bốn chữ “An Nam cống sứ”. Cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn nhìn chung không có gì trắc trở, nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chắc ngày nay không mấy ai còn nhớ đến ông. Điều đáng nhớ và học tập ở ông là một sức làm việc không mệt mỏi, ông đã “học, học nữa, học mãi” để trở thành nhà bác học lẫy lừng ở thế kỷ XVIII. Trong sách Kiến văn tiểu lục, ông viết:
- Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu… Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc đi sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Trấn Ninh, mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe cũng đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng dựng vào túi sách.......
(Nguồn: "Danh nhân khoa học Việt Nam" - Lê Minh Quốc)